Zing.vn lược dịch bài viết của tác giả Masha Borak, trang tin Abacus.
TikTok đang là một trong những cái tên đáng chú ý nhất thời gian qua. Với nội dung đa dạng và sáng tạo, đây là điểm đến giải trí ưa thích của giới trẻ bên cạnh các dịch vụ quen thuộc như Facebook hay Instagram.
TikTok đang là nền tảng giải trí thu hút giới trẻ nhất trong 2 năm gần đây. Ảnh: The Daily Dot. |
Sáng tạo và đăng tải những nội dung độc đáo, bạn có thể thu hút hàng nghìn lượt xem và fan hâm mộ (follow) trên TikTok. Nếu trên Facebook, nhiều người xem lượt like và follow là "thước đo" uy tín của bản thân thì trên TikTok, điều đó cũng tương tự.
Đó là lý do các dịch vụ cung cấp follow ảo ra đời làm thỏa mãn nhu cầu "sống ảo" của người dùng.
Chỉ cần tìm trên Google với từ khóa "mua follow TikTok", bạn sẽ thấy hàng chục website rao bán lượt thích (like), follow và chia sẻ (share) trên TikTok với giá cả khác nhau.
Vốn không thường sử dụng TikTok, tôi đã liên hệ xem hiệu quả các dịch vụ mua follow này như thế nào.
Quá trình diễn ra khá đơn giản. Chỉ cần nhập tài khoản TikTok, trả tiền tương đương số follow cần mua (ở đây là 2 USD cho 100 follow). Qua ngày sau, tài khoản lập tức tăng từ 18 follow lên 118 follow. Không rõ những tài khoản follow ảo này là ai, đến từ đâu.
Tại Việt Nam cũng có khá nhiều dịch vụ tăng like, follow ảo trên TikTok. |
Trong bài viết đăng tải ngày 12/3 trên Medium bởi Digital Forensic Research Lab (DFRLab), nhà nghiên cứu Kanishk Karan cho rằng đó là những tài khoản không chính chủ, tuy nhiên chưa rõ đứng sau chúng là bot (máy) hay người.
Có thể nhận ra đó là những tài khoản ảo bởi chúng đều không có avatar, dùng avatar của người khác và không thường xuyên đăng tải nội dung.
Karan nhận định các dịch vụ mua follow ảo trên mạng xã hội không mới, nó đã xuất hiện trên Facebook, Instagram trong một thời gian dài. Không chỉ bán follow TikTok, một số dịch vụ còn cung cấp follow ảo trên Facebook, Instagram, YouTube, Spotify...
Từ lâu, các nền tảng lớn đã thắt chặt chính sách nhằm triệt tiêu các tài khoản ảo. Vào năm ngoái, Facebook đã khởi kiện 4 công ty Trung Quốc do bán follow, like và tài khoản ảo.
Chính sách của TikTok cũng ghi rằng các hoạt động không xác thực là trái quy định, tuy nhiên cả TikTok và chủ sở hữu ByteDance đều không bình luận về việc mua follow ảo này.
Tất nhiên, luôn tiềm tàng rủi ro khi sử dụng các dịch vụ tăng follow ảo. DFRLab đã phát hiện hơn 50 ứng dụng trên Play Store với mục đích tăng like, follow và share cho TikTok đòi hỏi rất nhiều quyền truy cập khi tải về.
Có hàng chục ứng dụng tăng like, follow cho TikTok trên Play Store, song hiệu quả đến đâu thì chưa được kiểm chứng. Ảnh: Abacus. |
Sau khi cài đặt, chúng đòi nhiều quyền truy cập như danh bạ điện thoại, chỉnh sửa nội dung. Chính sách quyền riêng tư của chúng được sao chép từ ứng dụng khác.
DFRLab khuyên mọi người cẩn thận vì các ứng dụng trên có thể là lừa đảo. Tôi đã thử tải một ứng dụng bất kỳ, với lời hứa tăng follow trong 1-7 ngày, tuy nhiên những gì diễn ra trước đó là hàng tá quảng cáo vướng mắt.
Một ứng dụng khác thì yêu cầu chia sẻ 10 video trước khi có lượt share ảo, ứng dụng khác thì đảm bảo tăng like nếu đăng video với những hashtag nhất định.
Tuy nhiên sau khi hoàn thành những yêu cầu trên, không có gì xảy ra cả. Nếu trước đó bạn đã cấp quyền truy cập cho ứng dụng, rất có thể dữ liệu của bạn đã nằm trong tay kẻ xấu.