Hàng loạt UAV của Mỹ, từ loại thông thường cho đến tàng hình đã bị Iran bắn hạ trong nỗ lực đối phó Tehran của Washington giữa bối cảnh căng thẳng leo thang.
|
Iran đã tổ chức một cuộc triển lãm trưng bày các mẫu máy bay không người lái (UAV) của Mỹ đã bị lực lượng phòng không nước này bắn hạ trong thời gian qua. Cuộc triển lãm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ và Iran đứng bên bờ vực chiến tranh, sau vụ tấn công bằng drone vào nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia, mà Mỹ cáo buộc Iran là thủ phạm. Ảnh: Getty. |
|
Theo RT, cuộc triển lãm được tổ chức vào ngày 21/9. Hàng loạt quan chức cấp cao của Iran đã tham gia lễ khai mạc, gồm thiếu tướng Hossein Salami, tư lệnh Vệ binh Cách mạng Iran, tổ chức quân sự mà Mỹ đã liệt kê vào danh sách khủng bố. Ảnh: Getty. |
|
UAV tàng hình RQ-170 Sentinel bị Iran bắn hạ vào năm 2011. Tướng Salami cảnh báo bất kỳ quốc gia nào tấn công Iran sẽ trở thành "chiến trường chính" cho cuộc xung đột. Tehran đã sẵn sàng để chiến đấu cho đến khi kẻ thù bị đánh bại. Cuộc triển lãm về các UAV của Mỹ bị bắn hạ củng cố thêm cho lời đe dọa của tướng Salami. Ảnh: Twitter/IWN. |
|
UAV RQ-4C Triton là "bại tướng" gần đây và đình đám nhất của Mỹ dưới tay phòng không Iran. RQ-4 bị Iran bắn hạ bằng tên lửa đất đối không khi đang do thám trên Vịnh Ba Tư. Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh tấn công đáp trả, nhưng đã thu hồi mệnh lệnh vào phút chót. Ảnh: Twitter/IWN. |
|
Phần còn lại của RQ-4 chi chít những vết thủng do mảnh văng từ đầu đạn của tên lửa. Đây là tổn thất nặng nề nhất của Không quân Mỹ trong những năm gần đây, lần đầu tiên máy bay của Mỹ bị đối phương bắn hạ trong điều kiện không có chiến tranh. Ảnh: ILNA. |
|
Vụ RQ-4 bị bắn hạ phơi bày lỗ hổng trong việc vận hành và bảo vệ các UAV của Mỹ. Nó cũng cho thấy năng lực mạnh mẽ của phòng không Iran, có thể bắn hạ bất kỳ loại máy bay nào của đối phương. Ảnh: Twitter/IWN. |
|
Mẫu UAV trinh sát, tấn công MQ-1 Predator còn khá nguyên vẹn, ngoại trừ cụm cảm biến bị gãy. Iran tuyên bố đã ép UAV này hạ cánh bằng biện pháp tác chiến điện tử vào năm 2016, dù chưa có nguồn tin độc lập nào xác nhận tuyên bố trên. Ảnh: Twitter/IWN. |
|
Bên cạnh UAV của Mỹ, Iran còn bắn hạ UAV Hermes của Israel. Cùng với Mỹ, Israel là quốc gia thường xuyên tiến hành các hoạt động chống Iran, đặc biệt là ở Syria, nơi mà không quân Israel thường xuyên tiến hành các vụ không kích vào căn cứ được cho là của Vệ binh Cách mạng Iran. Ảnh: Twitter/IWN. |
|
Những mảnh vỡ của UAV trinh sát RQ-7A Shadow. Nó là một trong những UAV trinh sát, giám sát, đánh giá thiệt hại phổ biến nhất của Mỹ và quân đội 9 quốc gia khác trên thế giới. Ảnh: Twitter/IWN. |
|
Mẫu UAV trinh sát ScanEagle còn khá nguyên vẹn. Đây là mẫu UAV trinh sát tầm ngắn của quân đội Mỹ. Năm 2012, Iran tuyên bố bắt được 2 UAV ScanEagle của Mỹ xâm phạm không phận nước này trên Vịnh Ba Tư. Năm 2013, Tehran công bố mẫu UAV Yasir sao chép từ ScanEagle. Ảnh: Twitter/IWN. |
|
Iran cũng trưng bày hệ thống phòng không Khordad được sử dụng để bắn hạ RQ-4C Triton của Mỹ. Khordad được cho là một biến thể của hệ thống phòng không tầm trung di động Buk của Nga. Ảnh: Twitter/IWN. |
|
Cuộc triển lãm cho thấy Iran đã bắn rơi khá nhiều mẫu UAV của Mỹ, từ những loại thông thường cho đến tàng hình trị giá hàng trăm triệu USD. Cuộc triển lãm là một lời cảnh báo thực sự đối với những lựa chọn quân sự của Mỹ nhắm vào Iran. Ảnh: ILNA. |
|
Tổng thống Trump tuyên bố "đạn đã lên nòng" sau vụ tấn công bằng drone và tên lửa hành trình vào nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia. Tuy nhiên, Washington vẫn đang đứng trước những lựa chọn khó khăn. Ảnh: AFP. |
Iran bắn hạ UAV Mỹ
Donald Trump
Israel
Mỹ
Trung Đông
Iran
UAV
vũ khí
hàng không
bắn rơi
Mỹ
Iran
Trung Đông