Tại TP HCM, các cửa hàng của Rovi trên đường Lê Hồng Phong (quận 10), Trường Chinh (Tân Bình), Quang Trung (Gò Vấp) đã đóng cửa, thông báo dời về địa chỉ Bạch Đằng, quận Bình Thạnh.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện kinh doanh của công ty này cho biết, Rovi đã ngừng kinh doanh 3/4 cửa hàng ở TP HCM. Điểm cuối cùng được giữ lại để bán sản phẩm, đồng thời làm trung tâm bảo hành.
Tại Hà Nội, chi nhánh ở Đống Đa, Hà Đông và Sơn Tây vẫn được duy trì. Tuy nhiên, một nhân viên kinh doanh của Rovi cho biết, công ty này đang có kế hoạch đóng cửa thêm một số cửa hàng để kinh doanh xe đạp điện.
3/4 cửa hàng của Rovi (trước đây là HKPhone) ở TP HCM đã đóng cửa. |
Trước đó, Rovi (HKPhone) tung ra chương trình giảm giá từ vài trăm nghìn đến hơn một triệu đồng cho một số bản di động của họ với số lượng mỗi model khoảng vài trăm máy trên toàn quốc.
Theo nhận định từ một nhà bán lẻ, động thái thu hẹp hệ thống cửa hàng và tung khuyến mãi của Rovi cho thấy, công ty này đang cố gắng thanh lý lượng hàng còn tồn đọng trước khi dừng kinh doanh điện thoại. "Đây không phải là hành động phá giá như nhiều người nghĩ. Việc một công ty bán rẻ các sản phẩm của mình với số lượng nhỏ để ngừng kinh doanh là điều bình thường và không ảnh hưởng nhiều đến thị trường", người này nhận định.
Trao đổi với Zing.vn, ông Bùi Quang Hùng, đại diện truyền thông của Rovi phủ nhận thông tin cho rằng họ ngừng kinh doanh điện thoại. "Việc thu gọn hệ thống của Rovi là cách hãng điều chỉnh mô hình kinh doanh sang hình thức giao hàng tận nơi. Hình thức này đang được nhiều khách hàng Rovi sử dụng nhờ sự thuận tiện, do vậy không cần nhiều cửa hàng mở trong cùng một khu vực. Chi phí giảm sẽ trừ vào giá thành sản phẩm, giúp máy có giá thấp hơn nữa", ông Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, Rovi chỉ duy trì vừa đủ số cửa hàng tại từng khu vực và sẽ điều chỉnh liên tục sao cho hợp lý nhất. Khách hàng của công ty này khi mua sản phẩm mới vẫn được bảo hành 12 tháng.
Bảng thông báo tại một chi nhánh của Rovi ở quận 10, TP HCM. |
Rovi (trước đây là HKPhone) là thương hiệu điện thoại được biết đến với những model Android giá rẻ, cấu hình cao và mẫu mã khá giống với những smartphone tên tuổi của Apple, Samsung. Thời gian đầu mới thành lập, HKPhone nhập sản phẩm từ Hong Kong. Đến 6/2013, HKPhone tuyên bố trở thành thương hiệu Việt, cạnh tranh trực tiếp với hai hãng di động trong nước là Q-mobile và Mobiistar.
Cách đây ít ngày, trong một email gửi đến các đại lý, Rovi (trước đây là HKPhone) cho biết công ty đang gặp khó khăn từ nhiều phía, doanh số và thị phần giảm sâu. Do đó, công ty này quyết định ngừng phân phối smartphone để tập trung hơn vào mảng kinh doanh xe điện.
Theo thống kê từ IDC và GfK, các hãng điện thoại thương hiệu Việt trong những năm gần đây đang gặp khó trước nhiều model giá rẻ của Microsoft, Samsung, Oppo... Ngoài cạnh tranh bằng giá, các công ty thương hiệu Việt vẫn đang loay hoay tìm hướng đi mới để tái chiếm thị trường.
Đầu tiên, HKPhone đổi tên thành Rovi và chuyển sang mô hình giao hàng trực tiếp. Q-Mobile đổi tên thành "Q" và xây dựng hình ảnh sản phẩm hướng đến thời trang. Mobiistar cũng giới thiệu hàng loạt sản phẩm có các yếu tố đang ăn khách như thân kim loại nguyên khối, thiết kế hai mặt kính.
Đầu năm nay, Bkav - một tên tuổi mới nhập cuộc chơi di động - đã gây chú ý với Bphone. Nhưng doanh số thực sự của chiếc điện thoại này vẫn là một dấu hỏi, bên cạnh hàng loạt các scandal trễ hẹn giao hàng và chất lượng sản phẩm không sát với những gì Bkav đã quảng cáo.