Rosalind Franklin - được chế tạo ở Stevenage, Hertfordshire và được Cơ quan Vũ trụ châu Âu tài trợ - phụ thuộc vào tên lửa Proton để được đưa lên Sao Hỏa, theo Guardian.
Robot này có thể sẽ phải đợi thêm ít nhất hai năm nữa, khi một tên lửa khác được phóng lên cho phép đưa thiết bị thăm dò lên hành tinh. Tuy nhiên, một số nhà thiên văn học lo ngại rằng triển vọng của robot thăm dò này hiện tại là rất tệ. Họ cảnh báo nếu sự chậm trễ tiếp tục, sứ mệnh của nó có thể bị hủy hoại.
“Thật khó để chúng ta có thể làm việc với Nga trong hoàn cảnh hiện tại, và tình trạng này sẽ còn tồn tại lâu dài. Điều này có thể trì hoãn sứ mệnh ExoMars trong phần còn lại của thập kỷ. Đến lúc đó, công nghệ của nó sẽ ngày càng trở nên lỗi thời”, giáo sư thiên văn học John Zarnecki của Đại học Mở giải thích.
Anh đã chi 840 triệu bảng để phát triển và 15 năm để xây dựng robot cho sứ mệnh thăm do Sao Hỏa ExoMars. Robot có nhiệm vụ khoan sâu dưới bề mặt Sao Hỏa để thu thập các mẫu vật có thể mang dấu hiệu của sự sống.
Robot thăm dò Sao Hỏa Rosalind Franklin của Anh, được thiết kế cho sứ mệnh ExoMars. Ảnh: AFP. |
Giải pháp thay thế sẽ là tìm một tên lửa khác. Tuy nhiên, một động thái như vậy lại đặt ra những vấn đề khác. Nga cũng cung cấp tàu đổ bộ Kazachok để đảm bảo an toàn cho Rosalind Franklin trên bề mặt hành tinh.
“Đầu tiên, một chiếc dù khổng lồ sẽ giảm tốc thiết bị thăm dò khi nó lao xuống khí quyển Sao Hỏa. Sau đó, tên lửa Kazachok sẽ giảm tốc hơn nữa để robot có thể hạ cánh nhẹ nhàng”, giáo sư Andrew Coates, Đại học College London, mô tả.
Ông Coates, người nghiên cứu cho thử nghiệm máy ảnh toàn cảnh của Rosalind Franklin, nói: “Đây là một thao tác cực kỳ phức tạp, việc thiết kế một hệ thống hạ cánh thay thế sẽ không dễ dàng”.