Daily Mail dẫn tuyên bố của các nhà nghiên cứu cho biết 377 loài vi khuẩn lọt qua quá trình làm sạch của NASA. Chúng đáp xuống bề mặt sao Hỏa cùng cỗ máy thăm dò Curiosity. Các nhà khoa học tại Đại học Idaho đã tái tạo từng điều kiện Curiosity trải qua trong hành trình tới sao Hỏa. Họ phát hiện 11% chủng vi khuẩn sống sót sau tối thiểu một điều kiện.
Mô phỏng cảnh robot thăm dò Curiosity đáp xuống bề mặt sao Hỏa. Ảnh: NASA |
Theo tạp chí Nature, các tàu vũ trụ phải làm sạch qua nhiều khâu để đảm bảo chúng không gây ô nhiễm sinh học cho các hành tinh khác. Tuy nhiên, báo cáo cho thấy các nhà khoa học của dự án Curiosity không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình này. Phần lớn các loại vi khuẩn lọt qua quá trình làm sạch thuộc chi Bacillus, có khả năng sống trong môi trường thiếu oxy.
Hiện tại, Curiosity - cỗ máy có trị giá 2,5 tỷ USD - vẫn miệt mài truy tìm sự sống trên bề mặt hành tinh Đỏ. Nó là thiết bị nhân tạo đầu tiên khoan trên bề mặt Hỏa tinh để lấy và phân tích mẫu vật nhằm tìm dấu hiệu của nước và chất hữu cơ carbon. Cỗ máy đang hướng về núi Sharp ở giữa miệng núi lửa Gale.
NASA phóng Curiosity vào ngày 26/11/2011. Nó đáp xuống bề mặt sao Hỏa tháng 8/2012 cùng những công nghệ thăm dò tối tân nhất. Pha hạ cánh độc nhất vô nhị của nó mở ra cơ hội khám phá sâu rộng về hành tinh láng giềng của trái đất.