Hãng thông tấn RT của Nga đưa tin, các nhà khoa học Tây Ban Nha đã tạo ra môi trường giống hệt các điều kiện tự nhiên trên bề mặt hành tinh đỏ như nhiệt độ, độ ẩm, áp suất hay thậm chí bụi. Người ta cũng mô phỏng góc chiếu sáng của mặt trời, thành phần không khí và bức xạ cực tím. Bản sao môi trường sao Hỏa được tạo ra trong một buồng chân không đặc biệt.
Thiết bị mô phỏng môi trường sao Hỏa. Ảnh: Scitation.aip.org |
Đây là sản phẩm của các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Không gian Tây Ban Nha. Nó mang tên Marte, nghĩa là Sao Hỏa. Các nhà nghiên cứu tạo ra Marte nhằm nghiên cứu sâu hơn hành tinh láng giềng của trái đất. Kết quả có thể góp công lớn vào nỗ lực chinh phục sao Hỏa của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Không gian châu Âu (ESA).
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên các nhà khoa học tạo ra môi trường sao Hỏa trên trái đất. Các nhà khoa học NASA từng tạo ra môi trường tương tự nhằm kiểm tra khả năng hoạt động của các cảm biến trên siêu xe thăm dò Curiosity. Thiết bị trị giá 2,5 tỷ USD đang săn lùng dấu vết của sự sống trên hành tinh Đỏ.
Tuy nhiên, Marte có những nét độc đáo riêng biệt. Những người tạo ra nó muốn tìm hiểu tác động của bụi tới bề mặt sao Hỏa. Bụi có thể gây ảnh hưởng xấu tới cảm biến, kính quang học và tuổi thọ của Curiosity.
Theo nhóm nghiên cứu, Marte cũng đặc biệt hữu dụng trong nỗ lực truy lùng sự sống trên sao Hỏa. Dựa vào nó, người ta có cơ sở để xác nhận sự sống đã hoặc đang tồn tại trên hành tinh đo. Mô hình sẽ hạn chế tối đa những rủi ro đối với con người trong hành trình đặt chân lên hành tinh này.