Opportunity, thiết bị thăm dò tự hành đáp xuống sao Hỏa vào năm 2004, đã không di chuyển trong hơn một tháng qua do thời tiết trên hành tinh đỏ không thuận lợi. Trong một bức ảnh mà Opportunity chụp vào ngày 8/1, các nhà khoa học thấy một viên đá gần nó. Nhưng trong các ảnh từ vài ngày trước, viên đá không hề tồn tại, Discovery News đưa tin.
Steve Squyres, một nhà khoa học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), đoán rằng hòn đá bay khỏi vị trí cũ sau khi một thiên thạch đâm trúng sao Hỏa. Nó rơi xuống vị trí bên cạnh Opportunity và nằm trong tầm quan sát của camera.
Hòn đá không xuất hiện trong bức ảnh mà Opportunity chụp vào ngày 4/1, nhưng lại hiện ra trong ảnh mà robot chụp vào ngày 8/1. Ảnh: NASA |
Một giả thuyết khác là hòn đá từng mắc kẹt vào một bánh của robot thăm dò. Sau đó nó lăn tới vị trí hiện tại.
"Hòn đá này lật ngửa. Vì thế chúng ta có thể thấy phần không tiếp xúc với khí quyển sao Hỏa trong hàng tỷ năm của hòn đá. Đó là đối tượng để chúng tôi nghiên cứu. Việc nó xuất hiện gần Opportunity là sự kiện may mắn", Squyres nói.
Opportunity đã hoạt động trên sao Hỏa trong 10 năm. Ban đầu NASA chỉ định để nó hoạt động trong 90 ngày sao Hỏa.
Một ngày sao Hỏa tương đương 24 giờ và 37 phút, nghĩa là dài hơn một chút so với ngày trái đất.