Trong một tuyên bố được đưa ra ngày hôm qua, NASA khẳng định thiết bị thăm dò tự hành trị giá 2,5 tỷ USD hoàn toàn không phát hiện ra dấu vết của methane, loại khí được sản sinh ra bởi các loài sinh vật sống, trong khí quyển sao Hỏa.
Siêu xe thăm dò sao Hỏa Curiosity. Ảnh: Dailymail. |
Sở hữu những công nghệ mới nhất, Curiosity đáp xuống hành tinh đỏ nhằm truy tìm dấu vết sự sống. Nó từng phân tích mẫu đất, khoan lấy mẫu trên đá, sử dụng tia laser cực mạnh để làm bốc hơi mẫu vật hay phân tích không khí trong bầu khí quyển Hỏa tinh. Tuy Curiosity tìm thấy dấu vết của nước cũng như các hợp chất hữu cơ có thể hỗ trợ sự sống trong đất nhưng kết quả phân tích không khí cho thấy sự sống không tồn tại ở đây.
Kết quả này khá bất ngờ và gây thất vọng cho giới khoa học bởi khi Curiosity đáp xuống sao Hỏa, NASA rất hy vọng nó tìm thấy dấu vết của methane, loại khí mà vệ tinh thăm dò sao Hỏa cũng như các hệ thống kính thiên văn dưới mặt đất từng phát hiện vài năm trước.
Trên thực tế, sao Hỏa là một hành tinh khắc nghiệt. Nó sở hữu bầu khí quyển mỏng, khiến bề mặt khô cằn của nó hứng chịu gần như toàn bộ bức xạ mặt trời. Các nhà khoa học đều tin rằng, bề mặt Hỏa tinh quá khắc nghiệt để duy trì sự sống.