Mặt biển Baltic sôi sục bên trên khu vực đường ống dẫn khí đốt bị rò rỉ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Đan Mạch. |
Đường ống Nord Stream 1 bị rò rỉ đang đẩy một lượng lớn khí methane vào Biển Baltic và bầu khí quyển. Lượng khí này có thể nhiều gấp 5 lần lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do thảm họa Aliso Canyon - vụ giải phóng khí methane trên mặt đất lớn nhất trong lịch sử Mỹ - gây ra, theo AP.
Một quan chức Đan Mạch hôm 28/9 cũng cho biết lượng khí methane này tương đương với một phần ba tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm của Đan Mạch.
Kristoffer Bottzauw, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Đan Mạch, cho biết lượng khí thải từ ba lỗ rò rỉ trên đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 tương đương với khoảng 32% lượng khí thải CO2 hàng năm của Đan Mạch. Năm 2020, Đan Mạch phát thải khoảng 45 triệu tấn CO2.
Ông Jackson và David Hastings, nhà nghiên cứu về hóa học đại dương ở Florida (Mỹ), ước tính lượng khí nhà kính được giải phóng sẽ tương đương với khoảng 500.000 tấn methane. Thảm họa Aliso Canyon đã giải phóng khoảng từ 90.000 đến 100.000 tấn khí methane.
Thủ tướng Đan Mạch Metter Frederiksen (thứ hai từ trái qua) trong cuộc họp báo hôm 27/9 cho rằng khí đốt rò rỉ ở Biển Baltic là "hành động có chủ ý". Ảnh: AP. |
Theo Paul Balcombe, giảng viên khoa kỹ thuật hóa học tại Đại học Hoàng gia London, khí methane xuất hiện trên bề mặt đại dương là dấu hiệu của “một dòng chảy hướng lên mạnh mẽ”.
Ông cho rằng việc mất áp suất trong đường ống có nghĩa là một lượng lớn khí đã bị thất thoát. “Nó sẽ có tác động rất lớn đến môi trường và khí hậu, ngay cả khi một phần nhỏ trong lượng khí này được giải phóng”, ông nói.
“Chừng nào còn khí methane được giải phóng thì sẽ rất nguy hiểm”, ông Bottzauw nhận định.
Ông Bottzauw không cho biết thời điểm các chuyên gia có thể xuống kiểm tra các đường ống. Theo ông, các đường ống này được làm bằng thép dày 12 cm có tráng bê tông, nằm dưới đáy biển sâu từ 70 đến 90 m.
Khí methane là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Khí này hấp thụ nhiệt lượng của Mặt Trời và làm ấm Trái Đất mạnh hơn 82,5 lần so với khí CO2. Dù vậy, khí methane chỉ tồn tại trong khí quyển khoảng 10 năm, thấp hơn so với hàng trăm hoặc hàng nghìn năm của khí CO2, theo AFP.