Nằm trong chương trình hành động của TP HCM nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho chợ truyền thống, việc đưa rau VietGAP (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) vào các chợ loại 1 được triển khai từ cuối năm 2013, nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Bán 1 tuần rồi dẹp
Kể chuyện HTX Nông nghiệp Phước An (huyện Bình Chánh, TP HCM) bỏ cuộc sau 1 tuần bán rau VietGAP ở chợ Hòa Bình (quận 5), ông Võ Thành Dương, Phó Chủ nhiệm HTX, cho biết hiện đơn vị này chỉ tập trung bán rau vào hệ thống siêu thị, bếp ăn. Theo ông Dương, năm 2013, HTX Phước An liên hệ với một sạp bán đồ chay trước cửa chợ Hòa Bình để ký gửi rau VietGAP, nhưng chỉ được 1 tuần thì bỏ cuộc. HTX cũng tổ chức bán ở chợ đầu mối Bình Điền, đúng 1 năm thì đóng cửa vì không cạnh tranh lại rau chợ.
HTX Thỏ Việt cũng đã đóng cửa sạp rau ở chợ Tân Định (quận 1) khoảng 2 tháng nay. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm HTX Thỏ Việt, dù đơn vị đã cố gắng bám trụ nhưng cuối cùng phải rút lui.
Sở Công Thương TP HCM đang xúc tiến lại chương trình đưa rau VietGAP vào chợ truyền thống. Ảnh:Tấn Thạnh. |
“Ban đầu, ban quản lý chợ sắp xếp cho HTX thuê lại 2 sạp của tiểu thương khu bán rau, nhưng sau 4 ngày, thấy HTX bán hàng được, tiểu thương lấy lại sạp. Chúng tôi phải dời vào khu vực bán quần áo, doanh thu giảm đáng kể. Không bỏ cuộc, HTX tổ chức phát tờ rơi ở những khu vực đông khách; hướng dẫn, giới thiệu về rau VietGAP nhưng thu không đủ bù chi nên phải ngưng. Chúng tôi đành chuyển những khách quen ở chợ sang hình thức giao hàng tận nhà và quyết định đóng cửa sạp”, bà Ngọc cho biết.
Trước đó, HTX Thỏ Việt đã đi khảo sát một số chợ như Phạm Văn Hai, Hoàng Hoa Thám... và đặt vấn đề thuê sạp để đưa rau VietGAP vào tiêu thụ nhưng đều vướng về mặt bằng. Nếu các HTX thuê mặt bằng để tự kinh doanh thì không còn vị trí đẹp mà chỉ có chỗ khuất hoặc cách xa khu vực bán rau. Nếu ký gửi thì nhà sản xuất và tiểu thương chưa thống nhất được giá cả, chiết khấu, phương thức giao hàng...
Cũng rất quan tâm đến việc mở rộng thị trường tiêu thụ rau an toàn tới các chợ truyền thống, ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Thảo Nguyên (Đà Lạt), đã nhiều lần trực tiếp gặp tiểu thương các chợ đặt vấn đề cung ứng rau VietGAP, nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp khả thi. Kế hoạch đưa rau VietGAP vào chợ Bến Thành (quận 1) cũng chưa thực hiện được.
Khó đủ đường
Lý giải nguyên nhân rau VietGAP chưa vào được chợ truyền thống trong khi nhu cầu của người dân TP HCM đang tăng mạnh, nhận thức của người tiêu dùng và nhà nông về rau an toàn cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực, ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại - Sở Công Thương TP HCM, cho biết còn rất nhiều vấn đề vướng mắc cần giải quyết. Song song đó, thời điểm chưa chín muồi cũng là lý do rau VietGAP khó vào chợ truyền thống. Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ xúc tiến lại chương trình này, cùng với các HTX, ban quản lý chợ, tiểu thương gỡ vướng cho rau VietGAP vào chợ.
Từ kinh nghiệm thất bại, các HTX nông nghiệp chỉ ra một số khó khăn cản đường rau VietGAP vào chợ. Theo ông Võ Thành Dương, khách đi chợ truyền thống đa số là người lao động, thấy rau VietGAP giá cao hơn rau thường khoảng 30% thì chê đắt, không mua. Trong khi đó, rau VietGAP sản xuất theo quy trình, kiểm soát chặt về an toàn vệ sinh thực phẩm, sau khi thu hoạch phải qua các bước sơ chế xử lý, đóng gói. Sản phẩm đến tay người tiêu dùng có thể dùng được ngay, không phải mất thời gian làm sạch hay gọt, rửa nhiều. Vì thế, nếu tính kỹ, chênh lệch giá 30% là không nhiều.
Ngoài yếu tố giá cả, hình thức kinh doanh, giao nhận hàng, vấn đề thanh toán, chiết khấu... cũng còn nhiều bất cập. Các HTX muốn thuê mặt bằng trực tiếp kinh doanh thì gặp khó vì không còn mặt bằng đẹp hoặc giá cao. Nếu hợp tác giao rau cho tiểu thương bán thì cũng vướng điều kiện giao hàng, chiết khấu, thanh toán...
Ông Nguyễn Lam Sơn dẫn chứng: Tiểu thương các chợ tại những quận khác nhau, trái tuyến đường nhưng đều yêu cầu giao hàng đúng giờ (khoảng 5-6h). Trong khi đó, nhân lực của công ty còn mỏng, xe chuyên chở rau từ Đà Lạt cung cấp cho hệ thống siêu thị, cửa hàng ở TP HCM là xe lớn, tập kết tại một điểm nên không thể bố trí cùng lúc đi vào các quận nội thành. Thêm xe nhỏ thì phát sinh chi phí và cũng không thể giao cùng giờ cho tất cả các chợ.
Ngoài ra, rau VietGAP được đóng gói kín, yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ thích hợp (mát), nếu để ở nhiệt độ ngoài trời sẽ dễ hư. Vì thế, nếu tính không kỹ, khi đưa hàng vào chợ không những không hiệu quả mà còn cầm chắc phần lỗ.
Bán không được, sao dám lấy hàng
Với kinh nghiệm hơn 20 năm gắn bó với hoạt động chợ, ông Nguyễn Xuân Trang, Trưởng Ban Quản lý chợ Hoàng Hoa Thám, cho biết một số đơn vị có làm việc với ban quản lý chợ, muốn thuê sạp kinh doanh rau VietGAP nhưng không hiệu quả. Rau VietGAP vẫn chưa thể cạnh tranh với rau thường ở phân khúc chợ, vì thói quen của khách là tự mình lựa chọn từng nhúm rau, bó cải hay trái cà, trái bí. Rau củ chất đầy trên sạp, khách lựa chọn theo sở thích. Còn rau VietGAP ra chợ được đóng gói kín, để ở nhiệt độ thường dễ bị bí hơi, héo rũ hơn rau thường, giá lại cao hơn nên khách không chuộng.
“Tiểu thương đã thử bán rau VietGAP chung với rau thường nhưng ít người mua. Tâm lý của người kinh doanh là cái gì có lợi thì làm. Nếu rau VietGAP bán được thì tiểu thương sẽ tự tìm đến nhà sản xuất để lấy hàng, còn bán không được thì có thuyết phục mấy họ cũng không nhận”, ông Trang lý giải.