Nhiều hộ trồng rau ở tỉnh Trà Vinh đã chuyển sang trồng rau an toàn theo mô hình hiện đại vì tin tưởng vào sự phát triển của thị trường nông sản sạch. Nhưng hiện nay, đến mùa thu hoạch của nhà vườn nhưng lượng tiêu thụ rau kém xa so với dự đoán của nhiều hợp tác xã.
Ông Lê Chí Thành, giám đốc một hợp tác xã rau an toàn ở Trà Vinh cho biết, giá rau sạch chỉ cao hơn loại thường 2.000-3.000 đồng/bó, nhưng lại không có người mua khi bán ở các chợ lẻ miền Tây. Nhiều nhà vườn đã cố gắng đưa vào hệ thống siêu thị nhưng sản lượng tiêu thụ không nhiều.
Rau sạch được vận chuyển trực tiếp từ các tỉnh miền Tây lên TP HCM, để bán cho người tiêu dùng. Ảnh: Zen Nguyễn |
Trước thực trạng trên, ông Thành cùng nhiều hộ dân trong hợp tác xã đưa rau sạch lên TP HCM, bán cho các nhà hàng, hộ dân, và tham gia các hội chợ nông sản để tìm đại lý phân phối.
Ông Thành cho rằng: “Nếu chấp nhận bán bằng giá với các loại rau ngoài chợ thì nông dân trồng rau sạch không có lời, phải chấp nhận đi xa để tìm thị trường. Việc này nhận được nhiều sự ủng hộ của thành viên trong hợp tác xã”.
Theo Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Vĩnh Long, hiện nay diện tích trồng rau an toàn (RAT) ở Vĩnh Long chỉ đạt trên 90 ha, chủ yếu thực hiện ở các hợp tác xã Thành Lợi, Tân Quới, Tân Bình (huyện Bình Tân), Phước Hậu (huyện Long Hồ), hợp tác xã rau an toàn Vũng Liêm và hợp tác xã xà lách xoong Thuận An (thị xã Bình Minh).
Hàng năm, nông dân Vĩnh Long sản xuất 30.000 ha rau màu các loại trong đó có trên 10.000 ha được gieo trồng luân canh trên đất sản xuất lúa. Sản lượng cung cấp cho thị trường hàng năm trên 500.000 tấn rau màu.
Dù vận chuyển xa nhưng các loại rau được rao bán chỉ với giá 12.000-15.000 đồng. Ảnh:Zen Nguyễn |
Nguyễn Văn Phúc, nông dân ở Vĩnh Long cho biết, anh được một hợp tác xã trong vùng vận động trồng rau sạch được 1 năm nay. Tuy nhiên, nguồn thu vẫn bấp bênh vì thương lái ít khi thu mua rau sạch. Hợp tác xã là đầu mối duy nhất kiểm tra qui trình sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhà anh Phúc có 3 ha trồng rau, mỗi tháng cho ra thị trường khoảng 1 tấn.
“Nhiều lúc, phải chấp nhận mang ra chợ bán với giá bằng với rau thường vì đã đến vụ thu hoạch, nếu chờ tìm được nơi tiêu thụ rau sẽ bị hư. Hợp tác xã có đề xuất mang rau lên TP HCM bán, nhưng do đường xa, việc vận chuyển sẽ làm rau bị héo, chi phí tăng cao khó cạnh tranh được với các vựa rau lân cận như, quận 12, Hóc Môn, Củ Chi…”, anh Phúc nói.
Trong khi đó, nhiều hộ nông dân đã tự sắm xe tải để chở rau sạch từ các tỉnh lẻ bán ở các thành phố lớn như Cần Thơ, Bạc Liêu, TP HCM. Ông Sáu Liên, ở TP Vĩnh Long, cho biết, gia đình đã sắm một chiếc xe tải nhỏ để vận chuyển rau lên TP HCM, một tuần 2 lần. Ngoài rau nhà, ông Sáu còn thu mua thêm của các hộ khác với giá hợp lý cho đủ chuyến xe.
“Không chỉ có nhà tôi, nhiều hộ trồng rau trong tỉnh đã sắm xe tải, thậm chí đầu tư cả thùng lạnh để vận chuyển rau đi xa. Nông sản sạch đang khó khăn đầu ra, người nông dân phải tìm cách để tự cứu. Thực tế, khi làm việc trực tiếp với khách hàng lúc đầu có nhiều khó khăn, nhất là siêu thị đòi hỏi nhiều loại thủ tục giấy tờ”, ông Sáu chia sẻ.