Tại hội nghị “Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2016", ông Nguyễn Trung Kiên - Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Thị trường và ngành hàng của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) nhận định, năm 2016, xuất khẩu rau quả được dự báo tích cực. Nhiều khả năng rau quả Việt Nam hưởng lợi từ căng thẳng trong quan hệ thương mại Trung Quốc - Phillippines, khi nước này áp đặt lệnh trừng phạt lên chuối nhập khẩu từ Phillippines.
Xuất khẩu rau quả hưởng lợi từ căng thẳng Trung Quốc-Philippines. Ảnh: Thắng Quang. |
“Hong Kong (cửa ngõ vào Trung Quốc đại lục) nhập khẩu đến 70% khối lượng xoài từ Phillippines. Còn rất nhiều cánh cửa cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả Việt Nam ở các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, NewZealand, Hàn Quốc, EU, Ấn Độ, Chile…”, ông Kiên nói.
Đánh giá tiềm năng của mặt hàng trái cây Việt Nam, ông Sergio René Araujo-Enciso - Ban Thương Mại và Thị trường (Tổ chức FAO) cho biết: “Việt Nam là quê hương của sản phẩm trái cây nhiệt đới như thanh long, chôm chôm, vải… Trái cây nhiệt đới là một trong những ngành nông nghiệp phát triển nhanh nhất, với xoài có sản lượng lớn nhất”.
Theo ông Sergio René Araujo-Enciso, 60% trái cây nhiệt đới chủ yếu được sản xuất tại châu Á, điều này được dự báo sẽ không thay đổi tới năm 2024. Đóng góp của xuất khẩu trái cây nhiệt đới hay sản phẩm nhiệt đới vào thu nhập nông nghiệp Việt Nam là đáng kể và ngày càng tăng. Tăng trưởng sản lượng được dự báo là tăng mạnh trong thập kỷ tới.
Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng IPSARD phân tích, năm 2016, nhiều quốc gia có chính phủ mới, trong đó có Việt Nam, người dân kỳ vọng về sự thay đổi về chính sách. Trong bối cảnh nhiều quốc gia phá giá đồng tiền, ảnh hưởng đến cạnh tranh của nông sản Việt Nam, sự đi xuống của kinh tế Trung Quốc là cơ hội cho thị trường nông sản Việt.
“Nước ta đang đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, có một vấn đề mà các doanh nghiệp rất sợ đó là rủi ro thị trường. Vì vậy, phân tích thị trường và nhanh chóng cung cấp thông tin cho doanh nghiệp là rất quan trọng”, tiến sĩ Tuấn cho hay.
Bên cạnh rau quả, ngành chăn nuôi cũng được coi đi đầu của ngành nông nghiệp năm 2016. Các chuyên gia đánh giá sự hồi phục của thương mại thịt có thể làm tăng lượng nhập khẩu của Việt Nam nhưng không lớn. Các chính sách mới tạo áp lực cho các sản phẩm thịt nhập khẩu.