Theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, thời gian qua, giá heo tăng cao, người chăn nuôi ở Đồng Nai đua nhau đầu tư mở rộng chăn nuôi với tổng đàn tăng từ 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung bình mỗi ngày Đồng Nai xuất từ 3-4 nghìn con sang Trung Quốc. Như vậy, chỉ khoảng 1 tuần thương lái tạm ngưng thu mua thì số lượng heo tồn đến khoảng trên 20 nghìn con.
Heo xuất sang Trung Quốc có trọng lượng từ 1,2-1,7 tạ, trong khi đó, thị trường trong nước chủ yếu tiêu thụ heo có trọng lượng từ 80-100 kg/con.
Trung Quốc ngừng mua heo, giá heo giảm từ 57.000 đồng/kg xuống còn 52.000/kg. |
Theo ông Phạm Minh Đạo giám đốc sở NN&PTNT Đồng Nai cho biết, theo ghi nhận của sở, trong khoảng thời gian từ ngày 23/4 đến ngày 3/5 bình quân một ngày có 15 xe chở heo xuất sang Trung Quốc, mỗi xe có khoảng 150 con.
Cụ thể, diễn biến từng ngày như sau: ngày 4/5 là 19 xe, ngày 5/5 có 24 xe, ngày 6/5 có 25 xe, ngày 7/5 có 18 xe chở ra thị trường phía Bắc.
Bắt đầu từ ngày 8/5 Trung Quốc ngừng thu mua nên số xe giảm chỉ còn 2 xe, ngày 9/5 còn 4 xe. Giá heo giảm từ 56.000- 57.000/kg xuống còn 50.000- 52.000 đồng/kg.
Ông Đạo cho biết, heo có trọng lượng lớn trên 100 kg đã được thương lái Trung Quốc thu gom gần hết, số lượng còn lại hiện không đáng kể. Hơn nữa, mỗi ngày Đồng Nai cung cấp cho thị trường TP HCM 2.700 con heo sống và 1.000 con đã giết mổ nên sẽ không có chuyện có hàng chục nghìn con heo mỡ tồn không bán được như Hiệp hội nói.
Bên cạnh đó, khi thương lái Trung Quốc vào, đẩy giá heo lên 57.000 đồng/kg nhưng nay họ không thu mua nữa nên giá heo lại trở về bình thường, giá cả hiện nay vẫn ổn định, chưa có dấu hiệu sụt giảm mạnh.
“Ông nào nói tồn bao nhiêu con thì tự chịu trách nhiệm. Thương lái Trung Quốc vào hốt, đẩy giá lên 56- 57, không hốt nữa thì trở về giá bình thường chứ không phải là rớt giá”, ông Đạo cho hay.
Mặc dù không có tình trạng heo tồn nhưng ông Đạo cũng cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc vào thu mua ồ ạt sau đó ngừng bất thường. Khi thấy thương lái Trung Quốc thu gom lợn giá cao, bà con tăng đàn tự phát, sau đó họ bỏ đi còn bà con ôm hàng chịu lỗ.
Mặc dù Sở cũng đã khuyến cáo người dân nhưng ở góc độ địa phương, chỉ có thể lo giống má, dịch bệnh, giúp bà con chăn nuôi chứ không thể lo đầu ra, thị trường tiêu thụ.
“Địa phương cũng rất mệt mỏi vì không biết phải làm thế nào. Người dân lệ thuộc vào thương lái nên khi giá lên cao, địa phương cũng không có căn cứ để nói bà con không được bán hay đừng nuôi tiếp. Việc cân đối cung cầu, thị trường tiêu thụ là góc độ vĩ mô, cần sự vào cuộc của các cơ quan, doanh nghiệp”, ông Đạo kiến nghị.
“Tình trạng thương lái Trung Quốc vào thu gom ồ ạt rồi ngừng mua đột ngột đã lặp đi lặp lại nhiều năm. Cần phải có những doanh nghiệp lớn, nghiên cứu nhu cầu thị trường, đi sâu vào thị trường Trung Quốc chứ không phải để thương lái Trung Quốc bò sang tận đây”, ông Đạo khuyến nghị.
Chiều ngày 17/5, Vụ Thị trường Châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công thương cũng đưa ra cảnh báo về việc xuất khẩu heo sang Trung Quốc.
Theo Vụ Thị trường Châu Á, thời gian gần đây, giá thịt heo tại thị trường Trung Quốc liên tục tăng cao và đã vượt mức giá cao nhất của tháng 6 năm 2011 do hạn chế về nguồn cung.
Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan Trung ương và địa phương Trung Quốc đã tăng cường nguồn cung thịt heo đông lạnh từ kho dự trữ quốc gia cho thị trường nội địa, tuy nhiên vấn đề thiếu nguồn cung thịt heo tại thị trường Trung Quốc vẫn chưa thể giải quyết một cách hiệu quả.
Trong bối cảnh đó, xuất khẩu heo sống từ Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đất liền (thương nhân Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu theo hình thức mua bán cư dân biên giới nhằm tránh sự giám sát của các cơ quan chức năng và tận dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc đối với hình thức này) giữa hai nước cũng tăng mạnh.
Căn cứ Danh sách các quốc gia/khu vực đáp ứng yêu cầu và được cấp phép xuất khẩu sản phẩm thịt (bao gồm thịt heo) sang Trung Quốc do Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch quốc gia Trung Quốc công bố ngày 29 tháng 4 năm 2016, Việt Nam hiện chưa có mặt trong Danh sách này.
Do vậy, hoạt động xuất khẩu heo sống từ Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu phụ, đường mòn lối mở biên giới đất liền có thể sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới.