Gần một tuần sau khi bị rào chắn, tình trạng ùn tắc giao thông trên đường vành đai 3 đoạn Nguyễn Xiển (hướng hầm chui Thanh Xuân - Linh Đàm) không thuyên giảm. Ghi nhận của Zing ngày 6-9/11, tình trạng ùn tắc tại đây diễn ra bất kể thời gian nào trong ngày. Đặc biệt, các khung giờ cao điểm, dòng xe cộ dài hàng km nhích từng chút để thoát khỏi khu vực.
Trước đề xuất mượn phần đất bên phải tuyến để hình thành một đoạn đường tạm, tránh hình thành nút thắt cổ chai, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng điều này không khả thi bởi “vướng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm”.
Loay hoay tìm giải pháp
Trao đổi với Zing, PGS.TS Hồ Anh Cương, giảng viên cao cấp tại Đại học GTVT, cho biết ông cũng là “nạn nhân” của tình trạng ùn tắc trên đường Nguyễn Xiển. “Tôi có đi qua đoạn đường này vào tuần trước, ùn tắc khủng khiếp”, ông Cương kể.
Để xảy ra tình trạng trên, vị chuyên gia cho rằng đây là hệ quả của tình trạng thiếu đồng bộ trong quản lý. Trên cùng một con đường, nhưng nhiều nhà quản lý các hợp phần khác nhau như Sở GTVT, Sở Xây dựng, Công ty Cấp thoát nước, công ty cây xanh, viễn thông… Điều này dẫn đến tình trạng phối hợp thiếu nhịp nhàng, thậm chí là “mạnh ai nấy làm” khi có công trình phát sinh.
Nêu cụ thể về việc rào đường Nguyễn Xiển gây ùn tắc, ông Cương đánh giá tại đây chủ đầu tư và đơn vị thi công chưa hoàn thành trách nhiệm. Nguyên tắc khi làm công trình là đánh giá tác động môi trường, đó không chỉ là môi trường vật lý như bụi, không khí, âm thanh… mà còn bao gồm môi trường xã hội với chủ thể là người dân.
“Đến nay, khi rào đường rồi, để người dân bức xúc thì các cơ quan quản lý mới loay hoay tìm giải pháp chữa cháy thì chưa làm tròn trách nhiệm”, ông Cương nói.
Khu vực được đề xuất mở rộng (gạch đỏ) và khu vực bị rào chắn (gạch vàng). Ảnh: Hồng Quang. |
Trước đề xuất mượn phần đất bên phải để mở rộng đường Nguyễn Xiển đoạn bị rào chắn, ông Cương cho rằng đây là điều bình thường trong thi công các công trình kết cấu hạ tầng giao thông và hoàn toàn có thể làm được. “Đây là giải pháp đầu tiên mà các đơn vị thi công phải nghĩ đến”, vị chuyên gia nói thêm.
Về lý giải của Sở GTVT Hà Nội cho rằng việc này không khả thi bởi vướng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, vị chuyên gia cho rằng thông thường, phía dưới tuyến đường là hệ thống cấp thoát nước, dây cáp điện, viễn thông… Tuy nhiên, PGS.TS Hồ Anh Cương cho biết theo tiêu chuẩn chuyên ngành về hạ tầng, chiều sâu của các công trình kỹ thuật phải phù hợp với việc tương lai có thể xuất hiện người hoặc phương tiện đi lại phía trên.
“Hạ tầng ngầm là có, nhưng để đến mức không thể làm được đường tạm thì cơ quan quản lý phải xem xét lại, không thể nêu lý do chung chung rồi bỏ mặc người dân chịu cảnh tắc đường”, ông Cương nói và đề xuất trong trường hợp cơ quan chức năng lo ngại hệ thống này “không thể chịu tải phương tiện” thì cần tính thêm phương án để gia cố.
Cần tính phương án chỉ cho xe máy đi lại
Đồng quan điểm với PGS.TS Hồ Anh Cương, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng cơ quan chức năng cần bằng mọi cách tìm giải pháp để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tới người dân.
“Ở đây, họ (cơ quan quản lý) mới chỉ tính đến việc tạo thuận lợi về mặt bằng cho đơn vị thi công mà bỏ quên người tham gia giao thông”, ông nói và cho rằng việc mượn phần đất bên phải để làm đường tạm là hoàn toàn có thể thực hiện.
Vị chuyên gia cũng đề xuất cơ quan quản lý Hà Nội cần nghiên cứu sức chịu tải của công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm để tính tới phương án làm đường tạm. Nếu công trình này không thể chịu áp lực lớn, giải pháp đưa ra là phân luồng chỉ cho xe máy đi vào. Điều này đảm bảo thoát được lượng xe cộ lớn do đường vành đai 3 dưới thấp lượng xe máy chiếm đa số. Trong khi đó, với ôtô có thể phân luồng đi đường trên cao và mặt đường hiện tại.
Bên cạnh việc cắm biển báo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng đề xuất giải pháp làm các cọc chắn với khoảng cách 1,5 m để tránh việc ôtô đi vào đường tạm, đảm bảo việc quản lý và an toàn kết cấu hạ tầng.
Về giải pháp lâu dài, TS Khương Kim Tạo cho rằng cần thi công dứt điểm dự án trong thời gian ngắn nhất. Hiện nay, hợp phần nhà máy xử lý nước thải Yên Xá cơ bản đã xong, tuy nhiên hợp phần đường ống dẫn nước vẫn chậm tiến độ. Quá trình thẩm định dự án cũng được đề xuất tính đến các giải pháp công nghệ tối ưu nhất, tránh việc ảnh hưởng tới giao thông.
“Tôi lấy ví dụ có thể tính tới công nghệ khoan ngầm ở những đoạn chạy giữa đường, sao cho ở dưới vẫn làm, ở trên vẫn đi lại được mà không cần rào chắn như hiện nay”, ông Tạo nói.
Kẹt xe ở đoạn đường bị rào chắn. Ảnh: Hồng Quang. |
Thông tin thêm với Zing, thượng tá Lê Quang Hòa, Trưởng phòng Hướng dẫn, điều khiển giao thông và dẫn đoàn (Cục CSGT), cho biết Cục CSGT sẽ đề nghị đơn vị thi công và cơ quan chức năng liên quan phải thực hiện rào chắn cơ động, làm đến đâu rào đến đó, không thể chỉ rào cứng như hiện nay.
Đồng thời, mặt đường khu vực này cũng được Cục CSGT đề nghị mượn đất, mở rộng thêm và bố trí lực lượng thường trực hướng dẫn, hỗ trợ người tham gia giao thông.
Dữ liệu từ Google Maps liên tục báo đỏ (ùn tắc) đoạn đường vành đai 3 bị rào chắn. |
Những cuốn sách hay về xã hội
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.