Chiều 22/12, khoa Hồi sức chống độc Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An cho biết, sức khỏe bà Bùi Thị Niệm ở xã Thạnh Lợi (Bến Lức, Long An) bị rắn lục đuôi đỏ cắn đang hồi phục tốt. Vết sưng tấy trên tay đã giảm, có thể xuất viện sau 3-4 ngày điều trị.
Theo bà Niệm, ngày 21/12 ra vườn làm cỏ bà đã bị rắn màu xanh, đuôi đỏ cắn vào tay. Khi bà đang loay hoay nặn máu thì con rắn này định lao ra cắn tiếp nhưng bị bà chộp cây đập chết.
Bà Niệm sau đó được người thân đưa vào bệnh viện vì vết thương đau nhức, sưng tấy. Bác sĩ đã cho bà dùng huyết thanh kháng nọc rắn, thuốc giảm đau theo phác đồ trị lục đuôi đỏ cắn.
Theo Bệnh viện Long An, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận điều trị trên 160 ca rắn cắn, trong đó một nửa là nạn nhân của rắn lục đuôi đỏ. Hiện mỗi tuần bệnh viện tiếp nhận 4-5 trường hợp bị rắn độc cắn.
Tại Đồng Tháp, bệnh viện tỉnh cũng tiếp nhận điều trị gần 50 ca bị rắn cắn, trong đó chủ yếu là lục đuôi đỏ. Tỉnh Bến Tre cũng ghi nhận hàng chục ca tương tự, trong đó nhiều nhất là huyện Châu Thành.
Để ngăn ngừa, phòng trị rắn lục đuôi đỏ gây hại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre ông Trần Ngọc Tam ký công văn yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể cùng chính quyền các địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống rắn lục đuôi đỏ cắn.
Trong đó ngành nông nghiệp hướng dẫn người dân cách nhận biết về loài này và làm tốt công tác phát quang bụi rậm, tìm cách tiêu diệt rắn lục đuôi đỏ. Ngành y tế Bến Tre trang bị đầy đủ vật tư y tế chữa trị rắn cắn và dự trù đủ lượng huyết thanh kháng nọc độc rắn lục đuôi đỏ, kịp thời điều trị cho nạn nhân để tránh tử vong.
Ở Cần Thơ, chỉ tính riêng Bệnh viện Quân y 121 thì từ đầu năm đến nay tiếp nhận điều trị trên 360 ca bị rắn cắn, trong đó có đến 90% là nạn nhân của rắn lục.