SCMP cho biết một công ty công nghệ quốc phòng hàng đầu Trung Quốc đã công bố kết quả nghiên cứu gây sốc trong lĩnh vực vật lý. Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC) tuyên bố họ đã khám phá ra công nghệ radar mới có thể phát hiện máy bay tàng hình ở cự ly hàng trăm kilomet.
Bước đột phá mới dựa trên hiện tượng được gọi là “rối lượng tử”, một hiện tượng trong vật lý lượng tử. CETC ngày 19/9 cho biết radar mới, còn gọi là radar lượng tử ứng dụng nguyên lý “rối photon”, có thể phát hiện mục tiêu ở cự ly 100 km trong lần thử nghiệm gần đây nhất.
Trong một tuyên bố đăng trên website riêng, CETC nói rằng hệ thống radar lượng tử của Trung Quốc có giá trị ứng dụng quân sự cao, vì radar này sử dụng nguyên lý “rối photon” để xác định các đối tượng “vô hình” đối với radar thông thường.
Kết thúc kỷ nguyên tàng hình?
Giáo sư Ma Xiaosong, thuộc Đại học Nam Kinh, nhà nghiên cứu về radar lượng tử cho biết ông chưa nhìn thấy bất kỳ điều gì như thế trong một báo cáo công khai. “Các báo cáo của cộng đồng nghiên cứu quốc tế đều có phạm vi phát hiện mục tiêu hiệu quả dưới 100 km”, ông Ma nói.
Một nhà nghiên cứu radar quân sự tại một trường đại học ở tây bắc Trung Quốc cho biết phạm vi thực tế của radar mới do CETC phát triển có thể xa hơn nhiều so với tuyên bố. Các nhà khoa học cho biết họ đã bị sốc vì ý tưởng radar lượng tử gần đây vẫn là lĩnh vực gần như thuộc khoa học viễn tưởng.
Công nghệ tàng hình áp dụng trên tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ có thể vô dụng trước radar lượng tử của Trung Quốc. Ảnh: USAF |
Các nhà khoa học nói rằng một radar lượng tử tạo ra số lượng lớn các cặp photon. Khi được bắn vào không khí, chúng sẽ có khả năng tiếp nhận nhiều thông tin quan trọng về mục tiêu như hình dạng, vị trí, tốc độ, nhiệt độ, thậm chí cả thành phần hóa học của sơn từ photon phản xạ trở lại.
Radar lượng tử có nguyên lý hoạt động tương tự radar thông thường sử dụng sóng radio. Radar lượng tử có hiệu quả cao hơn trong việc phát hiện máy bay tàng hình thường sử dụng các vật liệu đặc biệt và thiết kế giúp giảm sự phản xạ của sóng radio.
Về mặt lý thuyết, radar lượng tử có thể phát hiện thành phần của mục tiêu, nhiệt độ, tốc độ, thậm chí nếu công nghệ đủ tinh vi nó có thể chỉ tiếp nhận một trong số các photon phản xạ trở lại. Radar lượng tử có thể tách các photon phản xạ trở lại do các biện pháp gây nhiễu xung quanh giúp xác định mục tiêu chính xác hơn.
Nếu tuyên bố của CETC được xác nhận, radar lượng tử có thể khiến công nghệ tàng hình mà một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc đang áp dụng cho máy bay chiến đấu trở nên vô nghĩa. Điều đó có nghĩa là radar lượng tử có thể kết thúc “kỷ nguyên công nghệ tàng hình”.
Tiềm năng của radar mới gấp 5 lần các mẫu trong phòng thí nghiệm được phát triển bởi những nhà nghiên cứu Mỹ, Đức, Anh và Canada. Cơ quan Nghiên cứu các Dự án Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) của Mỹ từng thông báo tài trợ cho các nghiên cứu về công nghệ tương tự.
Các nhà thầu quốc phòng như Lockheed Martin cũng đang phát triển radar lượng tử cho mục đích quân sự. Tuy nhiên, tiến độ của các dự án vẫn chưa rõ ràng.
Nhiều thách thức kỹ thuật
Một loại radar chuyên phát hiện mục tiêu bay tàng hình do Trung Quốc chế tạo. Ảnh: Defence Update |
Đánh giá về tuyên bố của CETC, giáo sư Ma, người không tham gia vào dự án cho biết radar lượng tử còn nhiều thách thức kỹ thuật cực kỳ phức tạp nên từ lâu công nghệ này vẫn bị giới hạn ở quy mô phòng thí nghiệm.
Ông Ma cho biết thêm các photon phải duy trì ở điều kiện nhất định, được gọi là trạng thái lượng tử. Tuy nhiên, trạng thái lượng tử có thể bị rối loạn trong môi trường thực tế làm giảm hiệu quả của radar.
Sự đột phá của CETC được hưởng lợi từ sự phát triển nhanh chóng gần đây của máy dò photon đơn cho phép các nhà khoa học nắm bắt sự phản xạ của các photon ở mức độ cao, hiệu quả hơn.
CETC cho biết họ đã hợp tác với các nhà khoa học lượng tử tại Đại học Khoa học Công nghệ Trung Quốc, nơi có nhiều đột phá về công nghệ lượng tử bao gồm hệ thống Internet lượng tử và vệ tinh lượng tử đầu tiên trên thế giới.