Máy bay tình báo tín hiệu RC-135 của Không quân Mỹ. Ảnh: USAF |
National Interest cho hay, Cơ quan Nghiên cứu các Dự án Quốc phòng tiên tiến (DARPA) của Lầu Năm Góc đang phát triển một hệ thống tác chiến điện tử mới dựa trên trí thông minh nhân tạo (AI). Loại thiết bị tác chiến điện tử mới này sẽ có khả năng đối phó với các loại radar của Trung Quốc hoặc Nga mà không cần tìm hiểu trước về tần số của chúng.
Phát biểu trong cuộc họp của Tiểu ban Quân vụ Về Các Mối Đe Dọa Mới Nổi, thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện vào ngày 24/2, tiến sĩ Arati Prabhakar, giám đốc DARPA nói:
“Tại DARPA, chúng tôi đang thực hiện một cách tiếp cận hoàn toàn mới cho vấn đề này, đây là một nỗ lực mà chúng tôi gọi là chiến tranh điện tử nhận thức. Chúng tôi đang sử dụng trí thông minh nhân tạo để tìm hiểu trong thời gian thực những gì mà radar đối phương đang làm và sau đó phương tiện bay sẽ tạo ra một chương trình gây nhiễu mới. Đó là toàn bộ quá trình mà hệ thống cảm biến học tập, thích nghi một cách liên tục”.
Hiện tại, các máy bay chiến đấu tàng hình như F-22, F-35 có một hệ thống dữ liệu được lập trình sẵn về tín hiệu radar của đối phương và phương pháp gây nhiễu trong thư viện các mối đe dọa định sẵn.
Nhưng nếu máy bay gặp tín hiệu radar chưa từng được ghi nhận trong dữ liệu lập trình, điều đó có nghĩa máy bay có thể gặp nguy hiểm.
Để xây dựng hệ thống tác chiến điện tử, Lầu Năm Góc thường triển khai máy bay tình báo tín hiệu RC-135V/W Rivet Joint để thu thập tín hiệu radar của đối phương.
Dữ liệu sau đó được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích về bước sóng, băng tần, công suất. Dựa trên các số liệu đó, người ta sẽ phát triển tín hiệu gây nhiễu mới và cập nhật vào dữ liệu tác chiến điện tử.
Những dữ liệu mới này sẽ được cập nhật cho các máy bay chiến đấu F-22, F-35 hay F/A-18 hoặc các máy bay chiến đấu khác theo chu kỳ vài tháng, hoặc vài năm.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số giúp tín hiệu radar thay đổi một cách nhanh chóng nhờ các phần mềm tinh chỉnh nhỏ.
Khi tín hiệu radar thay đổi liên tục có thể khiến hệ thống tác chiến điện tử của Mỹ không kịp thích nghi dẫn đến dễ bị tổn thương trong hoạt động chiến đấu.
Máy bay tác chiến điện tử E/A-18G Growler. Ảnh: U.S Navy |
Hiện tại, Mỹ có 2 loại máy bay có thể phân tích sóng radar đối phương trong thời gian thực là E/A-6B Prowler và E/A-18G Growler. 2 máy bay tác chiến điện tử này không chỉ được lập trình sẵn các mối đe dọa mà còn chở theo sĩ quan tác chiến điện tử (EWO).
Sĩ quan EWO có thể nhận biết và phân tích sóng radar không xác định, sau đó dựa vào kinh nghiệm của họ để tạo ra tín hiệu gây nhiễu ở mức độ nhất định trong thời gian thực. Tuy nhiên, hiệu quả của phương thức tác chiến điện tử này không cao vì phải dựa vào kỹ năng của sĩ quan EWO.
Nếu hệ thống tác chiến điện tử bằng trí thông minh nhân tạo của DARPA thành công, nó sẽ đem lại cho Lầu Năm Góc nhiều lợi ích về thời gian, chi phí, thậm chí là sinh mạng của phi công trong quá trình hoạt động.
“Trong tương lai, máy bay chiến đấu của chúng tôi có thể không cần phải chờ từng tuần, tháng, thậm chí là nhiều năm để cập nhật dữ liệu tác chiến điện tử mới. Máy bay chiến đấu của chúng tôi có thể thích ứng và gây nhiễu tín hiệu radar mới trong thời gian thực”, ông Prabhakar kết luận.