Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Rắc rối vụ metro số 1 TP.HCM bị nhà thầu đòi bồi thường

Dự án tuyến metro số 1 TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên) đang trong giai đoạn “chạy nước rút” để hoàn thành thì tiếp tục phát sinh các vướng mắc mới từ phía nhà thầu.

Nhà ga và trung tâm bảo dưỡng (Depot) Long Bình (TP Thủ Đức) thuộc dự án tuyến metro số 1. Ảnh: Duy Anh.

“Dính” nhiều khiếu nại

Theo nguồn tin của PV, nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) đã khởi kiện Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư dự án tuyến metro số 1) tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) yêu cầu bồi thường 23,72 tỷ yen (gần 4.000 tỷ đồng) đối với các chi phí phát sinh cho việc gia hạn thời gian hoàn thành.

Theo chủ đầu tư, một trong những vướng mắc làm chậm tiến độ dự án là ở gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy, toa xe, đường ray và bảo dưỡng) do nhà thầu Hitachi thực hiện. Cụ thể, chủ đầu tư cho rằng dù đã được quy định trong hợp đồng nhưng các nội dung liên quan đến đào tạo nhân viên (điều kiện đầu vào, số lượng học viên, thời điểm bắt đầu…) và công tác chạy thử (nghĩa vụ an toàn hệ thống, cung cấp thiết bị, đoàn tàu cho việc đào tạo và chạy thử…) đang bị kéo dài do những tranh cãi và thoái thác công việc của nhà thầu Hitachi. Chính vì vậy, đến nay các nội dung này vẫn chưa được các bên thống nhất.

Theo quy định, nhà thầu sẽ được hưởng các chi phí liên quan nếu việc kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng (Extension of Time - EoT) do lỗi từ chủ đầu tư. Ngược lại, họ phải bồi thường thiệt hại nếu việc chậm tiến độ là lỗi của nhà thầu.

Theo quy định của hợp đồng gói thầu CP3, thời gian hoàn thành gói thầu là vào ngày 8/4/2018 (244 tuần, kể từ ngày khởi công 5/8/2013). Hiện nay, nhà thầu Hitachi đã yêu cầu gia hạn thời gian hoàn thành (EoT) là 4.124 ngày (thời gian bắt đầu vận hành thương mại vào 20/11/2024). Tuy nhiên, tư vấn chung NJPT kiến nghị chủ đầu tư đánh giá thời gian gia hạn thời gian hoàn thành tạm thời là 2.161 ngày. Phía Hitachi đã không đồng tình với đánh giá của tư vấn NJPT. Do đó, nhà thầu này đã khởi kiện chủ đầu tư tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).

Dự án tuyến metro số 1 TP.HCM được khởi công vào năm 2012, dự kiến hoàn thành vào năm 2017, đưa vào vận hành thương mại vào năm 2018. Thế nhưng, những khó khăn như: vấn đề bố trí vốn, nhân sự, sự cố kỹ thuật, dịch bệnh COVID-19,… đã khiến thời gian thi công kéo dài. Cơ quan chức năng phải nhiều lần lùi thời gian hoàn thành dự án.

Theo chủ đầu tư, dự án trải dài qua nhiều thời kỳ và giai đoạn, dẫn đến các tồn đọng kéo dài theo các năm và chưa được giải quyết một cách dứt điểm. Hiện nay, dự án đã chính thức hình thành 3 vụ kiện tranh chấp giữa Ban Quản lý Đường sắt đô thị (bị đơn) với các nhà thầu chính (nguyên đơn) bao gồm 2 vụ kiện với Liên danh Sumitomo - Cienco 6 (Liên danh SCC) và 1 vụ kiện với Nhà thầu Hitachi. Tổng số khiếu nại của các nhà thầu là khoảng 300 khiếu nại với tổng giá trị khiếu nại khoảng hơn 30 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 70% giá trị tổng mức đầu tư điều chỉnh (43.757 tỷ đồng).

Cùng gỡ vướng

Để tháo gỡ các vướng mắc liên quan, tháng 3 năm nay, UBND TP.HCM đã thành lập Tổ Công tác rà soát và giải quyết các khó khăn vướng mắc của dự án tuyến metro số 1. Tổ công tác do ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và Phó Đại sứ Nhật Bản cùng làm Tổ trưởng. Đến nay, Tổ công tác đã họp nhiều phiên để tháo gỡ vướng mắc. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng đã có nhiều phiên họp với đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam để thảo luận, giải quyết vướng mắc cho dự án.

Ngày 2/5 vừa qua, ông Yamada Takio - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đã có công hàm gửi Chủ tịch Phan Văn Mãi, phản hồi nội dung về tiến độ và một số vướng mắc của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Tại công hàm này, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết ngay sau cuộc họp với UBND TP.HCM và Bộ Ngoại giao ngày 16/4, đích thân ông đã gặp và trao đổi với lãnh đạo Công ty Hitachi ở Tokyo, lãnh đạo các nhà thầu, tư vấn của Nhật Bản xây dựng tuyến metro số 1 và các bên cũng đều có nhận thức chung đẩy nhanh tiến độ, đồng thời tìm cách tháo gỡ khó khăn vướng mắc bên cạnh phải đảm bảo chất lượng và an toàn cao nhất cho dự án.

Phía Nhật Bản tin rằng có thể bắt đầu việc vận hành thương mại tuyến metro số 1 TP.HCM trước khi kết thúc năm. Đồng nghĩa, đến hết tháng 7/2024, công tác thử nghiệm của toàn dự án sẽ hoàn thành. Thực hiện công tác đào tạo vào tháng 8 và tháng 9, tổ chức chạy thử tàu (vận hành thương mại thử nghiệm) trong tháng 10 và tháng 11, và nhận chứng nhận an toàn mà không bị chậm trễ.

Ngoài ra, để xúc tiến công tác đào tạo vào tháng 8 và tháng 9 như đã nêu trên, phía Nhật Bản cho biết các trang thiết bị cần thiết cho việc đào tạo sẽ được bàn giao cho Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM.

Bên cạnh đó, phía Nhật Bản cũng đề nghị, về các vướng mắc tồn tại nhiều năm nay liên quan đến tranh cãi về điều khoản hợp đồng và việc kéo dài thời gian thực hiện dự án, TP.HCM cho sớm thành lập Ban xử lý hoà giải tranh chấp (DAB), cũng như hỗ trợ bổ sung một số khoản chi phí phát sinh cho các nhà thầu.

Mới đây, Ban Quản lý Đường sắt đô thị đã có văn bản gửi Sở Ngoại vụ TP.HCM về việc dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Ngoại giao đề xuất biện pháp giải quyết vướng mắc liên quan đến tuyến metro số 1 TP.HCM.

Tại nội dung này, Ban Quản lý Đường sắt đô thị đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản cho phép các cơ quan Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, nhà tài trợ JICA quan tâm, hỗ trợ có những báo cáo với các cấp chính quyền của Chính phủ Nhật Bản. Đồng thời có các trao đổi, tác động với các nhà thầu Nhật Bản (đặc biệt là nhà thầu Hitachi) sớm hoàn thành công việc để đưa tuyến metro số 1 vào khai thác thương mại.

Cam kết vận hành thương mại vào quý IV/2024

Mới đây, UBND TP.HCM đã công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về điều chỉnh thời gian thực hiện dự án tuyến metro số 1. Theo UBND TP.HCM, hiện nay, khối lượng thực hiện của dự án đạt khoảng 98%. Dự kiến từ tháng 7 đến tháng 11 năm nay, dự án sẽ hoàn thành cấp chứng chỉ và thẩm định an toàn hệ thống. Trong giai đoạn này, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng sẽ tiến hành kiểm tra nghiệm thu các hạng mục công việc. Sau khi hoàn tất việc nghiệm thu và thẩm định, trong quý 4/2024, metro số 1 sẽ vận hành thương mại toàn tuyến.

Toàn cảnh tàu metro Nhổn - Ga Hà Nội sắp đưa vào khai thác thương mại

Tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao sắp được khai thác thương mại vào tháng 7/2024, đi qua trục đường có lượng phương tiện lớn, thường xuyên ùn tắc và mật độ dân cư cao.

Hàng trăm người ở TP.HCM trải nghiệm tàu metro số 1 chạy tự động

Trong lần chạy thử nghiệm tự động đầu tiên, tuyến metro số 1 đã mang đến cho hàng trăm hành khách một hành trình đầy cảm xúc.

TP.HCM sắp di dời, đốn hạ hơn 450 cây xanh để làm metro số 2

Để triển khai dự metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), TP.HCM lên phương án đốn hạ, di dời hơn 450 cây xanh dọc tuyến đường qua các quận 1, 10, 3, Tân Bình và Tân Phú.

Sách hay về TP.HCM

Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.

Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.

https://tienphong.vn/metro-so-1-tphcm-bi-nha-thau-doi-boi-thuong-thach-thuc-van-hanh-dung-tien-do-post1643400.tpo

Hữu Huy/Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm