Tháng 11/2017 này nước Nga long trọng tổ chức kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vỹ đại. Cuộc cách mạng đánh dấu sự ra đời nước Nga Xô viết, xóa bỏ ách bóc lột của chế độ thực dân cũ, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người.
Sau cuộc Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Liên Xô phải trải qua nhiều thử thách. Trong đó, thử thách khốc liệt nhất là cuộc chiến tranh giữ nước (Chiến tranh Vệ quốc) diễn ra trong 5 năm (1941-1945) với phát xít Đức.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành tập thơ Đợi anh về. Tên của sách được lấy theo tên tác phẩm của Konxtantin Ximonov. Bài thơ đã được nhà thơ Tố Hữu dịch sang tiếng Việt từ năm 1947, có ảnh hưởng và ý nghĩa đặc biệt với cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam.
Bìa sách Đợi anh về. |
Tập thơ Đợi anh về bao gồm 180 bài thơ của 24 nhà thơ tiêu biểu nhất trong nền thơ ca Chiến tranh Vệ quốc như Ximonov, Olga Berggolts, Tvardovxki, Anna Akhmatova, Evtusenko… Hai dịch giả Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Văn Minh đã dày công chọn lọc và dịch các bài thơ trong tập này.
Các tác phẩm được chọn trong tập thơ thể hiện chân thực về cuộc chiến, qua đó thể hiện tính cách con người Nga, văn háo Nga. Cuộc chiến đó có sự tàn khốc, bi thương, nhưng hào hùng và đầy lạc quan, tin tưởng.
Tinh thần của tập thơ giống với điều mà nhà mỹ học Borev đã nói: “Đó là những tiếng khóc đau thương về sự hy sinh và mất mát, nhưng đồng thời cũng là tiếng ca vinh quang về sự bất tử”. Một số bài thơ trong tập này đã được phổ nhạc thành các bài hát yêu thích không chỉ ở Nga, mà còn ở Việt Nam.
Tập thơ ra đời với mong muốn mang lại cho độc giả Việt một hiểu biết, đồng cảm với cuộc chiến tranh giữ nước của nhân dân Liên Xô và của nền văn học Xô viết. Tuyển thơ Đợi anh về được mong đợi sẽ đóng góp như là một chiếc cầu nối giữa Văn học Nga và Văn học Việt Nam.
Nhân dịp phát hành, một chương trình ra mắt sách được tổ chức lúc 15h ngày 3/11 tại Hội trường Cục Tần số Vô tuyến điện, Trần Duy Hưng, Hà Nội.