Ono Matsugu (sinh năm 1970) là nhà văn Nhật Bản, là phó giáo sư khoa Văn trường Đại học Rikkyo. Ông nhận nhiều giải thưởng về văn chương như: Giải thưởng tác giả trẻ lần thứ 12 (báo Asahi tổ chức), giải Mishima Yukio lần thứ 15, giải văn học danh giá Akutagawa lần thứ 152 với tác phẩm Lời nguyện cầu từ chín năm trước.
Cuối tháng 10, Ono Matsugu có mặt tại Việt Nam. Vào lúc 10h ngày 31/10, nhà văn có buổi giao lưu với độc giả tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (27 Quang Trung, Hà Nội), với chủ đề "Viết không đau về nỗi đau".
Nhân dịp này, Zing.vn giới thiệu bài viết về cuốn sách Lời nguyện cầu chín năm trước của ông đã xuất bản tại Việt Nam.
Nhà văn Masatsugu Ono. |
Chân thành và dịu dàng với nỗi đau người khác
Có bốn câu chuyện được kể trong tập truyện Lời nguyện cầu chín năm trước. Chúng được gắn kết với nhau bởi hiện hữu của một nhân vật vắng mặt. Người đàn ông đáng thương ở làng chài Kyushu hẻo lánh không may ngã bệnh, và bi kịch ấy trở thành sự kiện gây xáo trộn cuộc sống của những nhân vật liên quan, từ những người rất gần gũi cho đến cả người chưa một lần tiếp xúc với anh.
Với tác phẩm mỏng nhẹ chưa đầy 200 trang, Ono Masatsugu tiếp tục viết về những đau đớn khôn kham của gánh nặng làm người. Đứng từ phía rất xa, Ono kiên nhẫn quan sát sự chuyển biến và ghi lại một cách tỉ mỉ mọi xô lệch trong trải nghiệm về những chấn thương của nhân vật.
Và dường như, tập truyện này là minh chứng cho suy tư của ông về nỗi đau: nỗi đau của người khác không chỉ trở thành tấm gương để soi chiếu nỗi đau của chính ta mà đôi khi còn khiến ta trở nên khổ sở về họ hơn bao giờ hết. Những độc giả trung thành luôn tìm đến Ono bởi một lối văn đẹp đẽ không bởi sự cầu kỳ mà nằm ở chính cách ông đã chân thành và dịu dàng với nỗi đau người khác như thế nào.
Bắt nhịp với truyền thống mỹ học Nhật Bản thiên về phẩm tính khinh, Ono Masatsugu tiết chế tối đa sự can thiệp về mặt kỹ thuật cho lối viết của mình. Thuật ngữ khinh khoái (karumi) ra đời từ thời kỳ Edo của văn học Nhật Bản trước hết hướng đến sự tinh giản trong kỹ thuật viết.
Đập vỡ sức nặng của thể loại haikai, Basho (thi sĩ lỗi lạc thời Edo) mong muốn các đồ đệ của mình thực hành lối viết tự nhiên, trong sáng và phản ánh thật trúng những va đập sinh động của cuộc đời. Tính chất khinh khoái về sau được nâng lên thành một nguyên tắc thẩm mỹ trong sáng tác.
Qua các tác phẩm của Ono, người đọc dễ dàng nhận ra những nhân vật của ông dẫu bất hạnh đến đâu cũng đều có khả năng chuyển hóa nỗi đau một cách nhẹ nhõm. Ông thậm chí từ chối bản thân can dự vào cuộc sống của các nhân vật. Các truyện kể của ông phần đa được kể từ ngôi thứ ba. Là một người hứng thú với việc khai thác những mờ đục trong đời sống tâm lý con người, song Ono luôn giữ mình ở một khoảng cách đủ xa để mô tả chúng khách quan và chân thực nhất có thể.
Trong một lần giao lưu với bạn đọc Việt Nam, Ono từng chia sẻ, việc Haruki Murakami chọn viết bằng tiếng Anh về cuộc sống diễn ra tại Nhật Bản có lẽ là cách tốt nhất để tạo được khoảng cách cho sự nghiền ngẫm. Dù là người có phong cách viết khác hoàn toàn so với Haruki Murakami nhưng chính Ono Masatsugu cũng đồng tình với quan niệm tạo khoảng cách trong suy tưởng và viết lách.
Chính vì thế, một cách nhẹ nhõm, Ono viết về nỗi đau từ góc độ của một người đứng bên lề nhưng luôn khiến chúng ta ám ảnh về thân phận làm người nặng nhọc, và cũng từ đó mà tôi luyện để trở nên kiên cường.
Sách Lời nguyện cầu chín năm trước xuất bản tại Việt Nam. |
Con người không thể cự tuyệt nỗi đau
Trở lại với Lời nguyện cầu chín năm trước - tập truyện đã đạt giải thưởng Akutagawa danh giá lần thứ 152 - Ono Masatsugu đã bắt đầu bằng câu hỏi: “Thế nào là nỗi đau? Liệu chúng ta có khổ sở hơn về nỗi đau của mình nếu nỗi đau đó được người khác biết đến?” Câu trả lời thấp thoáng hiện ra ở nhiều nhân vật khác nhau, từ một cô gái trẻ cho đến một bà lão, từ cậu thanh niên cho đến người đàn ông trung niên.
Và câu hỏi còn đeo bám họ dai dẳng từ trẻ cho đến khi trưởng thành, khi họ đã bước từ vị thế của một người chứng kiến nỗi đau người khác sang một kẻ đang ngắm nhìn nỗi đau chính mình. Những con người cô độc ở làng chài Kyushu, trông họ không khác gì con rùa biển không mảy may biết mình bị lật ngửa, chúng cứ mãi chậm chạp huơ huơ bốn chân trong không khí.
Họ bị kẹt lại ngôi làng không chỉ cách biệt với đất liền về mặt không gian mà còn loay hoay trong chiếc hộp tư tưởng. Làng chài trên đảo Kyushu là nơi “người chết và người sống cùng sinh sống với nhau” (tr.120). Khi cái đẹp được nhìn ra từ sự tiêu vong, khi những vảy vỏ của người chết chưa phân hủy hết trở thành nguồn năng lượng cho người sống, mỗi con người dẫu là cư dân hay khách du lịch đều nhận ra họ là những kẻ đang sống nương vào ký ức đã khuất.
Tập truyện bắt đầu bằng câu: “Nghe nói con trai nhà Watanabe Mitsu bị bệnh đấy” (tr.7). Câu chuyện về Togi, hay còn gọi là Taikoh, người con trai nhà Watanabe Mitsu, là xương sống của toàn bộ tác phẩm và đóng vai trò như cớ sự để các nhân vật khác bóc tách nỗi đau cá nhân.
Ở câu chuyện đầu tiên Lời nguyện cầu chín năm trước, tin tức này đã nhấc cô gái Sanae thoát khỏi bế tắc hiện tại để trở về thời điểm chín năm trước, khi cô cùng những người phụ nữ trong làng, bao gồm cô Mit-chan (mẹ anh Togi) đi du lịch ở Canada. Chuyến đi chơi ấy đồng thời cũng là duyên cớ cho cuộc gặp gỡ giữa Sanae và người cô yêu. Một khởi sự không rõ là vận may và điềm rủi. Sanae chưa từng gặp Togi nhưng cảm tưởng cô có thể hình dung anh qua lời kể của bà mẹ và những bà già cùng làng.
Câu chuyện thứ hai, Đêm rùa biển xoay quanh chuyến đi chơi của ba chàng sinh viên từ Tokyo về. Nhân vật chính Itsupeita mong muốn tìm lại nhà ông nội song ký ức mờ nhòe dẫn cậu bước đến ngôi nhà của Togi, người đang vắng mặt. Họ bắt gặp trong khu vườn một bà lão khắc khổ đang gục đầu chờ đợi Togi trở lại.
Ở câu chuyện thứ tư, Hoa ác, chúng ta sẽ hiểu ra người đàn bà đáng thương ấy mong chờ Togi như đợi một vị cứu tinh bứt rễ những thân hoa ác đang túa ra trong tâm hồn. Câu chuyện thứ ba giúp chúng ta biết rõ hơn về Togi khi còn bé, một anh chàng tuy khờ khạo nhưng tốt bụng.
Mỗi câu chuyện là một đắp dựng về nhân vật vắng mặt, từ lúc còn ẵm ngửa cho đến khi đã là người đàn ông ngoại tứ tuần, và nay thì đang vật lộn với căn bệnh hiểm nghèo trong bệnh viện. Bằng sự vắng mặt của Togi, Ono Masatsugu dệt nên một mạng lưới những trỗi dậy của ký ức các nhân vật khác. Họ hồi tưởng về những nỗi đau tưởng ngủ quên và đã kịp nhận thấy bản thân mình đang không thuộc về thực tại mà chỉ là những bóng ma vất vưởng của ký ức đau buồn.
Ở ngôi làng Kyushu nơi sự sống và cái chết cùng hiện hữu, người còn sống luôn cảm thấy những mất mát và tự nhấn chìm mình trong tuyệt vọng. Nhưng trên hết, sau mỗi câu chuyện, Ono không giúp chúng ta trở nên lạc quan hơn, mà khiến ta nhận ra những bông hoa ác vẫn không ngừng sinh sôi, và đó chính là bản thể đời sống.
Con người không thể cự tuyệt nỗi đau. Nhưng thế giới không vì sự hiện diện của quá nhiều nỗi đau mà trở nên bớt đáng sống. Đời sống dẫu nặng nề đến khôn kham vẫn phát lộ những ánh sáng của sự hối cải. Biết trân trọng nỗi đau của chính mình là một tia hy vọng nhưng biết nâng đỡ nỗi đau của người khác trở thành một niềm tin tưởng trong hành trình làm người khó nhọc.
Biển cả trong tập truyện của Ono Masatsugu dễ khiến chúng ta liên tưởng đến Bão của Le Clézio. Biển trở thành một nhân vật quan trọng trong sáng tác của Le Clézio, giữ vai trò gột rửa những tăm tối trong ký ức sầu muộn.
Nhân vật Kyo trong truyện dài Bão từng cho rằng: “Niềm đam mê trong tôi khiến tôi đau nhưng đồng thời cũng làm tôi dễ chịu. Theo ngôn ngữ y học thì người ta gọi đó là một nỗi đau tuyệt vời. Họ không nói về nỗi dằn vặt. Họ nói về một trò chơi, một nỗi đau lặp đi lặp lại, ám ảnh và trở nên không thể thiếu. Một nỗi đau mà ta phải yêu nó, bởi lẽ, nếu nó chấm dứt, thì mọi thứ trở nên trống rỗng và chỉ còn nước chết đi cho rồi”.
Viết về nỗi đau con người dường như chưa bao giờ là một đề tài đã cũ. Trước mọi bất an thường trực vẫn tấn công con người, sự nâng đỡ đến từ những nhà văn như Le Clézio hay Masatsugu Ono khiến chúng ta nhận thấy sự tồn tại của nỗi đau không là điều vô nghĩa, và chính nó cũng chứa đựng những ngắm nhìn đẹp đẽ một cách thuần khiết.