Tuần trước, Triều Tiên đã yêu cầu Hàn Quốc phá bỏ tất cả tòa nhà "khó coi" khỏi khu nghỉ mát trên núi Kumgang, khu danh lam thắng cảnh trên bờ biển phía đông, nơi từng là địa điểm liên doanh giữa hai miền Triều Tiên.
Theo Nikkei Asian Review, trong khi Bình Nhưỡng nói rằng họ có kế hoạch thành lập liên doanh du lịch của riêng mình ở đó, truyền thông Hàn Quốc cho thấy một động cơ khác: biến địa điểm này trở lại thành căn cứ hải quân.
Hình ảnh trên Google Earth được trích dẫn trong các bài viết dường như cho thấy số lượng lớn tàu hải quân được triển khai trong khu vực, cũng như các tòa nhà mới được xây dựng.
Điều này làm dấy lên suy đoán ở Hàn Quốc rằng Triều Tiên vẫn đối nghịch với Hàn Quốc và không có ý định hòa bình hay từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Vết nứt trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ liên Triều
Các tin tức cho thấy vết nứt khác trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ của Seoul với nước láng giềng phía bắc. Nhìn vào bối cảnh rộng hơn, Bình Nhưỡng đã đưa ra thời hạn cuối năm để Mỹ đưa ra đề xuất mới để tiến tới đối thoại sau khi các cuộc đàm phán bị phá vỡ ở Thụy Điển vào tháng 10.
Cuộc gặp lịch sử đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại làng đình chiến Panmunjom bên trong khu phi quân sự ngăn cách hai nước, ngày 24/8/2018. Ảnh: Reuters. |
"Số phận tương lai quan hệ Triều Tiên - Mỹ phụ thuộc vào thái độ của Mỹ và cuối năm là hạn chót cho họ", truyền thông nhà nước của Triều Tiên tuyên bố vào tháng 10.
Triều Tiên tiếp tục tăng nhiệt vào ngày 28/11 bằng cách tiến hành vụ thử tên lửa - lần phóng mới nhất trong loạt phóng những tháng gần đây.
Vụ phóng diễn ra chỉ vài ngày sau khi nước này cho biết đã bắn đạn pháo gần biên giới biển tranh chấp với Hàn Quốc, theo chỉ đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Các cuộc pháo kích trong quá khứ từ cả hai nước đã gây ra những cuộc đụng độ không đáng có khi quân đội nhầm tưởng các cuộc tập trận thường lệ là hỏa lực địch.
Trong các cuộc họp năm nay và năm ngoái, Seoul và Bình Nhưỡng đều cam kết sẽ tránh những hành động không cần thiết như vậy dưới danh nghĩa duy trì hòa bình.
Vụ bắn pháo gây ra sự bất mãn hiếm hoi cho chính quyền cánh tả của Tổng thống Moon Jae In, người coi hợp tác liên Triều là chính sách quan trọng và thường kiềm chế chỉ trích công khai các hành động quân sự của Triều Tiên.
Bức ảnh được chính phủ Triều Tiên cung cấp ngày 25/11 cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (giữa) kiểm tra đơn vị quân đội trên đảo Changrin ở Triều Tiên. Ảnh: KCNA/AP. |
Người phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc Choi Hyun-soo nói các vụ pháo kích là "đáng lo ngại" và kêu gọi Triều Tiên kiềm chế các hành vi có thể làm gia tăng căng thẳng ở khu vực biên giới.
Tuy nhiên, chính phủ ở Seoul không có dấu hiệu từ bỏ nỗ lực hòa giải.
Tại một diễn đàn ở Seoul hôm 27/11, Thứ trưởng Suh Ho của Bộ Thống nhất thừa nhận sự bế tắc hiện tại nhưng cho biết chính phủ vẫn cam kết hợp tác.
"Việc tháo dỡ các cơ sở của Núi Kumgang là thách thức cận kề. Chính phủ Hàn Quốc đang cố gắng giải quyết vấn đề này thông qua đối thoại nhưng dường như Triều Tiên hiện không sẵn sàng tham gia".
"Bất cứ khi nào chúng tôi cố gắng thay đổi hiện trạng, cần phải có sự can đảm rất lớn. Trao đổi và gắn kết giữa Hàn Quốc và Triều Tiên cũng đòi hỏi sự can đảm", ông Suh nói.
Mất niềm tin vào cam kết của Mỹ
Theo Nikkei Asian Review, mặc dù Triều Tiên nhiều lần không giữ lời nhưng tuyên bố táo bạo về hạn chót có thể khiến họ không có nhiều sự lựa chọn ngoài việc thực hiện một số hành động khiêu khích nếu Mỹ không đưa ra đề xuất mới vào cuối năm nay.
"Triều Tiên rõ ràng rất nghiêm túc về thời hạn vì giọng điệu ngày càng gay gắt trong các tuyên bố của họ song song với mức độ leo thang của các hành động khiêu khích, cụ thể là các vụ thử tên lửa", Go Myong-hyun, thành viên Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, nói.
"Khả năng Triều Tiên cho phép thời hạn kết thúc mà không có bất kỳ hành động nào là thấp", ông cho biết thêm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trì cuộc gặp song phương với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại New York vào tháng 9. Ảnh: Reuters. |
Seoul và Washington đang đau đầu về việc ai sẽ trang trải chi phí đóng quân cho 28.500 lính Mỹ ở Hàn Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Hàn Quốc đã thoải mái tận hưởng sự hào phóng của Mỹ và yêu cầu tăng mạnh chi tiêu trong gánh nặng của Seoul.
Chính quyền Trump cũng đang yêu cầu Nhật Bản chi trả nhiều hơn cho sự hiện diện quân sự của Mỹ.
Các nhà phân tích lo ngại rằng những yêu cầu này đang phá vỡ niềm tin vào Mỹ khi cam kết kiên định hợp tác an ninh khu vực chống lại Triều Tiên.
"Có những khu vực bầu cử nhỏ nhưng đang phát triển ở cả Nhật Bản và Hàn Quốc với nhận thức rằng Mỹ có thể là đối tác không đáng tin cậy và cả hai nước sẽ cần phải chịu trách nhiệm cho phòng thủ của chính họ trước Triều Tiên được vũ trang hạt nhân", Marcus Noland, thành viên cao cấp tại Trung tâm Đông Tây ở Hawaii, nhận định.
Những tháng tới có thể chứng kiến sự trở lại của những căng thẳng như trong những tháng đầu tiên sau khi ông Trump nhậm chức, khi Triều Tiên nói rằng họ không còn quan tâm đến việc tổ chức các cuộc họp không mang lại kết quả.
Washington vẫn có động cơ để giữ cho đàm phán với Triều Tiên tiếp diễn.
"Chính quyền Trump vẫn quan tâm đến ngoại giao để duy trì lệnh cấm thử nghiệm tên lửa tầm xa và hạt nhân của Triều Tiên và tìm kiếm tiến trình phi hạt nhân hóa", Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha Womans ở Seoul, cho biết.
"Ông Trump có thể hoan nghênh cơ hội ngoại giao cấp cao để thu hút sự chú ý của truyền thông tránh khỏi những thách thức chính trị trong nước", ông Easley nói thêm.
"Bình Nhưỡng có thể có ý định khai thác tình huống này nhưng có thể dễ dàng tính toán sai với sự khiêu khích quân sự kích động nhiều biện pháp trừng phạt hơn là nhượng bộ", ông bình luận.