11 trận trước đó, ông Park đã thay ai vào sân là người đó sẽ chơi đến khi tiếng còi kết trận vang lên. Trước tuyển Nhật Bản tối 11/11, thống kê đó bị phá vỡ bởi Văn Đức. Tuyển thủ Việt Nam vào sân phút 46, chơi tới phút 84 rồi bị thay ra, nhường chỗ cho Lương Xuân Trường vào cuối trận.
Trước Nhật Bản, Văn Đức được tung vào sân để thay Tuấn Anh sau hiệp một. Với Văn Đức, tuyển Việt Nam chuyển sang sơ đồ 5-3-2. Tiền vệ của SLNA đá lệch trái ở tuyến giữa ba người. So với Hoàng Đức và Quang Hải, Văn Đức là cầu thủ đá thấp nhất ở tuyến giữa.
Phan Văn Đức vào sân, đá lệch trái ở hàng tiền vệ 3 người của tuyển Việt Nam trong hiệp hai trước Nhật Bản. |
Thống kê của Đức ở trận đấu này cũng không mấy ấn tượng. Gần 40 phút trên sân, Văn Đức không có cú dứt điểm nào, không một lần đi bóng thành công. Anh thực hiện 8 đường chuyền (5 thành công), nhưng chỉ một trong số đó hướng lên nửa sân của tuyển Nhật Bản.
Ở khía cạnh phòng ngự, Văn Đức chơi tốt hơn với 4 lần cắt bóng, bằng với Quang Hải trong hiệp hai.
Đây không phải lần đầu tiên, Văn Đức được sử dụng trong vai trò thiên về phòng ngự. Đó không phải là vị trí tự nhiên của anh bởi cầu thủ này thường chơi tiền đạo dưới màu áo SLNA. Trong giai đoạn đỉnh cao 2018-2019, Văn Đức cũng đá cao trong vai trò tiền đạo trái ở tuyển Việt Nam.
Sau khi trở lại đội tuyển ở vòng loại World Cup hồi tháng 6, Văn Đức bắt đầu phải tham gia các nhiệm vụ phòng ngự nhiều hơn. Lý do có lẽ đến từ việc tuyển Việt Nam đang phải phòng ngự nhiều hơn trước các đối thủ từ mạnh tới rất mạnh ở vòng loại thứ ba World Cup. Sự sa sút của Văn Đức có lẽ đến một phần bởi thay đổi chiến thuật này.
Biểu đồ chạm bóng cho thấy Văn Đức chủ yếu đảm nhận nhiệm vụ phòng ngự trong hiệp hai trước Nhật Bản. Đồ họa: AFC. |
Trước tuyển Nhật Bản, điều đó lặp lại một lần nữa khi Văn Đức chủ yếu hoạt động ở nửa sân tuyển Việt Nam. Anh có 5 lần chạm bóng bên phần sân của Nhật Bản so với 13 lần chạm bóng bên phía sân tuyển Việt Nam.
Ở vị trí không đúng sở trường, Văn Đức tỏ ra bối rối và gần như không có đóng góp gì cho mặt trận tấn công. Anh không để lại nhiều dấu ấn, có những thời điểm “biến mất” trong thế trận áp đảo hoàn toàn của đội khách Nhật Bản.
Trở lại đội hình chính tuyển Việt Nam từ tháng 6, Văn Đức chơi đủ cả 8 trận đến nay, trong đó có 6 lần đá chính liên tiếp. Anh mới phải ngồi dự bị bắt đầu từ trận gặp tuyển Oman hồi tháng 10.
Trong 8 trận, Văn Đức không một lần ghi bàn. Cùng khoảng thời gian đó, Tiến Linh (5 bàn) và Quang Hải (2 bàn) đều đã lập công cho tuyển Việt Nam. So với những đồng đội trên hàng công, Văn Đức rõ ràng đang thiếu những bàn thắng.
Những thống kê trên có lẽ là lý do Văn Đức dần đánh mất vị trí, thậm chí bị thay ra ngay sau khi vào sân trước tuyển Nhật Bản.