Tổng thống Biden đã hủy chuyến thăm Papua New Guinea. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Biden sẽ lên lịch thăm lãnh đạo các nước đảo quốc Thái Bình Dương vào một thời điểm khác trong năm nay sau khi quyết định hủy chuyến đi tới Papua New Guinea, đó là những gì giới chức Mỹ thông báo hôm 17/5.
Dù giải thích rằng ông Biden phải về nước vì cuộc thảo luận đang nóng hổi về vấn đề nâng trần nợ công, việc ông chủ Nhà Trắng hủy chuyến thăm đã lên kế hoạch trước tới Papua New Guinea được cho là sẽ gây tổn hại tới uy tín của Washington ở khu vực, nơi Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt, theo Reuters.
Papua New Guinea thất vọng
Papua New Guinea đã thông báo nghỉ lễ toàn quốc vào 22/5, ngày dự kiến tiếp đón Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo khu vực khác tới thăm. Chuyến thăm sẽ là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đến quốc gia Thái Bình Dương.
Cảnh sát Papua New Guinea đã triển khai nhiều biện pháp siết chặt an ninh, các biển hiệu chào mừng được dựng lên, người dân đã sẵn sàng với những thông điệp chào đón vị thượng khách.
"Tôi rất vinh dự khi ông ấy thực hiện lời hứa tới thăm đất nước chúng tôi", Thủ tướng Papua New Guinea James Marape viết trên Facebook.
Tổng thống Biden tiếp Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare (giữa) và Thủ tướng Papua New Guinea James Marape (phải) ở Nhà Trắng tháng 9/2022. Ảnh: AP. |
Hy vọng càng lớn, thất vọng càng nhiều. Những kỳ vọng của Papua New Guinea về chuyến thăm lịch sử đã tan thành mây khói khi Nhà Trắng thông báo hủy chuyến thăm để ông Biden có thể tập trung vào vấn đề nợ công trong nước.
Theo AP, không phải bởi chuyến thăm của tổng thống Mỹ bị hủy mà các hoạt động ăn mừng dừng lại. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vẫn sẽ tới Papua New Guinea gặp lãnh đạo các nước Thái Bình Dương để thảo luận biện pháp tăng cường hợp tác. Tuy nhiên, với việc thiếu đi ông Biden, nhiều người dân Papua New Guinea "chưng hửng".
Steven Ranewa, luật sư tại thủ đô Port Moresby, cho biết chuyến thăm của ông Biden là một sự kiện rất lớn với toàn khu vực. Nhiều người đã lên kế hoạch trực tiếp theo dõi đoàn xe hộ tống ông Biden trên đường phố ở thủ đô.
"Tất cả đều rất háo hức. Nhưng tin tức về chuyến thăm bị hủy thực sự rất mất hứng", ông Ranewa cho biết.
Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan thừa nhận quyết định hủy chuyến thăm Papua New Guinea đã khiến các đối tác "thất vọng". Tuy vậy, ông Sullivan cho biết Tổng thống Biden sẽ sớm tổ chức hội nghị cấp cao với lãnh đạo các nước đảo quốc Thái Bình Dương trong năm nay.
"Cuộc gặp chưa được lên kế hoạch, nhưng chúng tôi sẽ đưa vào chương trình, như thế chúng ta sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với các đảo quốc Thái Bình Dương", ông Sullivan nói.
Uy tín bị tổn hại
Chuyến thăm Papua New Guinea của ông Biden được coi là bước đi quan trọng nhằm củng cố lòng tin với khu vực Nam Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc những năm qua đã tìm cách tăng cường hiện diện về kinh tế và an ninh.
"Quyết định này đã giáng một đòn nghiêm trọng vào uy tín của Mỹ ở khu vực với tư cách một đối tác có thể tin cậy", Mihai Sora, chuyên gia Viện nghiên cứu chính sách Lowy, nhận định.
Anna Powles, chuyên gia an ninh quốc tế Đại học Massey, New Zealand, cho rằng dù lãnh đạo các nước Thái Bình Dương hiểu ông Biden có ưu tiên tại quê nhà, việc hủy chuyến thăm ngay trước ngày diễn ra cho thấy chính trị nội Bộ của Mỹ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động đối ngoại của ông chủ Nhà Trắng.
"Thật không may, sự kiện này thể hiện kiểu hành vi khiến nhiều quốc gia trong khu vực coi Mỹ không phải là đối tác có thể tin cậy", bà Powles nói.
Trong bối cảnh lịch trình của ông Biden sẽ ngày càng dày đặc bởi 2024 là năm bầu cử, bà Powles cho rằng sẽ rất khó để Nhà Trắng bố trí một lịch trình làm việc khác.
Các chuyên gia nhận định quyết định hủy chuyến thăm là một bước lùi cho quan hệ của Mỹ với không chỉ Papua New Guinea mà với cả khu vực Nam Thái Bình Dương. Điều này khiến lợi ích của Mỹ bị tổn hại bởi Trung Quốc đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng, khỏa lấp khoảng trống.
Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Papua New Guinea năm 2018. Ảnh: Guardian. |
Đến nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã 3 lần tới thăm khu vực, bao gồm chuyến thăm Papua New Guinea năm 2018.
Luật sư Ranewa ở Port Moseby cho biết hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc có thể nhìn thấy trên khắp Papua New Guinea. Bắc Kinh hiện là đối tác lớn cung cấp nhiều dịch vụ cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng. Ông Ranewa cho hay một số người dân bản địa hoan nghênh sự hiện diện của Trung Quốc, những người khác thì không.
Tại quần đảo Solomon, một công ty nhà nước của Trung Quốc đã thắng thầu xây dựng sân bay quốc tế ở thủ đô Honiara. Đến năm 2022, Trung Quốc ký kết thỏa thuận hợp tác an ninh với nước này, làm dấy lên lo ngại từ Washington và Canberra rằng Bắc Kinh có thể thiết lập một tiền đồn quân sự ở khu vực Nam Thái Bình Dương.
Để đáp trả, Mỹ ký mới thỏa thuận hợp tác chiến lược với hai quốc gia Thái Bình Dương khác là Micronesia và Palau, theo đó Washington sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm quốc phòng và cung cấp hỗ trợ kinh tế, đổi lấy quyền tiếp cận những khu vực chiến lược quan trọng tại khu vực.
Tuần qua, Thủ tướng Papua New Guinea James Marape cho biết sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng quan trọng với Mỹ trong chuyến thăm của ông Biden. Hai bên cũng sẽ ký thỏa thuận hợp tác an ninh cho phép lực lượng tuần duyên Mỹ tuần tra trong vùng biển Papua New Guinea.
Với việc chuyến thăm bị hủy, hiện chưa rõ các thỏa thuận hợp tác quốc phòng, an ninh giữa Mỹ và Papua New Guinea sẽ được ký như thế nào.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.