Đám đông biểu tình và hơi cay tràn ngập các đường phố ở thủ đô Colombo. Đến đêm 13/7, những người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát bên ngoài tòa nhà Quốc hội, khu vực duy nhất của chính phủ chưa bị chiếm đóng.
Một đám đông lớn đã tiến đến văn phòng của quyền Tổng thống Ranil Wickremesinghe và yêu cầu ông từ chức. Lực lượng an ninh đã bắn đạn hơi cay liên tục nhưng không thể cản những người biểu tình tràn qua khu phức hợp.
“Cả đất nước đã từ chối ông ấy”, Shameen Opanayke, một thanh niên 22 tuổi cùng các chị gái và mẹ của mình trong cuộc biểu tình ở Colombo, nói về Tổng thống Gotabaya Rajapaksa.
Đối với quyền Tổng thống Wickremesinghe, anh nói "cũng không ai chấp nhận ông ấy cả".
Người biểu tình ở thủ đô Colombo, Sri Lanka. Ảnh: Reuters. |
Trong một tuyên bố trên truyền hình, ông Wickremesinghe cho biết ông đã chỉ thị quân đội và cảnh sát làm "những gì cần thiết để lập lại trật tự", AFP đưa tin.
Cảnh sát đã ném hơi cay và xịt vòi rồng để giải tán người biểu tình. Cùng với đó, tình trạng khẩn cấp và giới nghiêm trên toàn quốc được ban bố, nhưng cũng không ngăn được đám đông tràn vào tòa nhà.
Hiệp hội Luật sư Sri Lanka, một tổ chức ủng hộ phong trào biểu tình, đã cảnh báo về “tình trạng vô luật pháp và vô chính phủ”.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardana cho biết Thủ tướng Ranil Wickremesinghe được bổ nhiệm làm quyền tổng thống vì Tổng thống Rajapaksa đang ở nước ngoài.
“Vì ông ấy vắng mặt trong nước, Tổng thống Rajapaksa đã nói với tôi rằng ông ấy bổ nhiệm thủ tướng làm quyền tổng thống, theo như hiến pháp quy định”, Chủ tịch Quốc hội Abeywardana tuyên bố ngày 13/7 trên truyền hình.
Một số đồng minh của ông Wickremesinghe đã đưa ra lý do ông ở lại là để tránh sự sụp đổ hoàn toàn của chính phủ. Luật Sri Lanka quy định việc một thủ tướng từ chức không chỉ giải tán các bộ trưởng mà còn khiến các thư ký bộ trưởng, những nhân viên cấp cao nhất bị giải tán.