“Chúng ta phải tiếp tục đấu tranh không ngừng cho quyền cộng đồng LGBTQI+. Đây là một nỗ lực chung chậm rãi, bền bỉ vì quyền bình đẳng giới”, ông Robert Greenan, quyền Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM phát biểu tại phiên thảo luận hôm 9/11. Sự kiện ôn lại quá trình 10 năm phát triển các hoạt động của cộng đồng LGBTQI+ tại Việt Nam.
Cuộc đấu tranh cho quyền lợi của cộng đồng LGBTQI+ là nỗ lực chung chậm rãi và bền bỉ. Ảnh: Sự kiện Hanoi Pride 2018 - Yoomi Jun. |
Rủi ro sức khoẻ và hạn chế cơ hội việc làm
Tại buổi thảo luận, Tùng Văn Lưu Khiết - người điều hành Mạng lưới quần thể đích trẻ Việt Nam (VYKAP) - cho rằng trường học còn hạn chế đề cập về vấn đề người đồng tính và chuyển giới. Điều này dẫn đến độ tuổi trẻ em nhiễm HIV đang nhỏ dần.
"Ở trong Mạng lưới quần thể đích trẻ, tôi gặp những bé chỉ mới 13, 14 tuổi đã dương tính với HIV. Nhiều em còn chưa hiểu HIV là gì. Một số phụ huynh kỳ thị chính con mình khi biết con mắc bệnh. Vì thế, việc giảm độ tuổi xét nghiệm HIV, cho phép trẻ 15 tuổi được xét nghiệm là một bước tiến lớn", anh Lưu Khiết nói.
Các đại biểu tại buổi thảo luận cũng nêu lên thực trạng những người thuộc cộng đồng LGBTQI+ ở Việt Nam, đặc biệt là người chuyển giới, chịu bất bình đẳng trong cơ hội việc làm. Một số nơi không nhận nhân viên là người chuyển giới.
Đại dịch Covid-19 càng làm nghiêm trọng hóa vấn đề này. Theo báo cáo của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) năm 2015, chỉ có khoảng 4% người chuyển giới tham gia khảo sát có việc làm chính thức (có hợp đồng lao động và bảo hiểm xã hội). Phần lớn không có việc làm ổn định sẽ gặp nhiều khó khăn trong đại dịch.
Trong dịch Covid-19, các công việc như hát dạo, hát đám ma, và chạy bàn không thể làm việc trực tuyến tại nhà. Không tạo nên thu nhập, nhiều bạn trẻ bị bắt nạt về giới tính bởi chính người thân của mình.
“Xã hội tấn công vào người chuyển giới. Nhiều người cho rằng họ là 'đồ dư thừa' và không tạo ra được giá trị cho xã hội, đặc biệt đối với người chuyển giới nữ. Khi họ cố gắng duy trì nguồn sống và tìm đến các quỹ xã hội, họ lại bị cho rằng ăn bám”, Lưu Khiết nói.
Hai chuyên gia Chu Thanh Hà và Vương Khả Phong trao đổi về quá trình hoạt động của cộng đồng LGBTQI+ tại Việt Nam. Ảnh: Hanoi Pride. |
Tại Việt Nam, cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe cho người chuyển giới còn hạn chế. Theo báo cáo của SCDI, chỉ có số ít người chuyển giới có điều kiện được đi phẫu thuật ở nước ngoài.
“40% người chuyển giới tự tiêm hormone không theo bất kỳ đơn thuốc nào của bác sĩ. Ngoài ra, một số còn phải mua hormone từ các khu chợ đen”, anh Chu Thanh Hà, một nhà hoạt động trong cộng đồng LGBTQI+, nêu lên thực trạng.
Nhóm diễn giả cho biết đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn quá trình chuyển giới, gây tổn thương về đến sức khỏe, tinh thần, kinh tế của người chuyển giới.
Một chặng đường dài cần nỗ lực và kiên trì
Quyền Tổng lãnh sự Mỹ Robert Greenan chia sẻ Mỹ đã dành hơn 220 năm trong lịch sử đấu tranh đòi quyền lợi cho cộng đồng LGBTQI+. Đó là hành trình dài mà những người thuộc cộng đồng đã phải đứng lên để đấu tranh qua nhiều thế hệ.
Quyền Tổng lãnh sự Mỹ Robert Greenan: "Chúng tôi luôn cố gắng tạo không gian để đem cộng đồng LGBTQI+ gần nhau hơn". Ảnh chụp video buổi thảo luận. |
Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Mỹ nỗ lực tạo không gian cởi mở để cộng đồng LGBTQI+ thoải mái trao đổi quan điểm. Ngoài ra, Mỹ đang làm việc với chuyên viên y tế và nghiên cứu, tìm hiểu kỹ hơn về cộng đồng tại Việt Nam để có hỗ trợ kịp thời.
Anh Vương Khả Phong, Điều phối chương trình quyền LGBTQI+ tại Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) chia sẻ những tín hiệu đáng mừng trong sự phát triển của phong trào thúc đẩy quyền của cộng đồng. Theo anh Phong, số lượng nhà hoạt động và tổ chức chung tay giải quyết vấn đề bất bình đẳng đối với cộng đồng LGBTQI+ tăng lên rõ rệt.
“Các hoạt động cộng đồng không chỉ tập trung ở một chỗ, mà được đưa về các địa phương. Mỗi cá nhân thuộc cộng đồng ở từng địa phương tham gia và góp phần tạo nên thay đổi”, anh Khả Phong nói.
Hiện nhiều tổ chức vì quyền và lợi ích của cộng đồng LGBTQI+ không ngừng đấu tranh cho quyền bình đẳng giới tại Việt Nam. "Tôi có hy vọng vào một tương lai tích cực hơn cho cộng đồng này tại Việt Nam", anh Khả Phong nói.