Chiều 10/10, báo cáo tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30 của Quốc hội khóa XV liên quan việc áp dụng các cơ chế đặc biệt, đặc thù trong bối cảnh chống dịch Covid-19, quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nêu nhiều kết quả quan trọng nhờ việc ban hành nghị quyết.
Theo quyền Bộ trưởng Y tế, đến nay, Việt Nam đã đạt mục tiêu kiểm soát dịch được dịch bệnh Covid-19, đưa đất nước về trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, Chính phủ thừa nhận công tác phòng, chống dịch còn một số hạn chế, bất cập. “Một số thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm mua từ ngân sách Nhà nước và được viện trợ, tài trợ để phục vụ phòng chống dịch Covid-19 có nguy cơ không sử dụng hết trước hạn”, quyền Bộ trưởng Y tế báo cáo.
Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Phạm Thắng. |
Đặc biệt, theo bà Lan, có tâm lý lo ngại, sợ sai từ các vụ việc tiêu cực phát sinh trong thời gian vừa qua liên quan trục lợi trong mua sắm trang thiết bị y tế. Điều này dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.
Theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, các biện pháp cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch được thực hiện đến hết ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài chính sách này thêm một năm.
Chính phủ đề nghị Quốc hội tiếp tục cho phép áp dụng một số chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách về khám chữa bệnh, thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế.
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Xã hội nhận định cơ chế đặc biệt, đặc thù trong Nghị quyết 30 đã giúp tháo gỡ nhiều rào cản pháp lý trong chống dịch.
Song, cơ quan này cũng nhìn nhận việc ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách còn chậm, gây lúng túng. Một số quy định ban hành trong tình trạng khẩn cấp nên chưa được đánh giá tác động thận trọng, khiến việc triển khai gặp nhiều lúng túng.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: Phạm Thắng. |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, có tình trạng mỗi địa phương quy định một kiểu, áp dụng không nhất quán, thậm chí có biểu hiện “cát cứ”.
Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong triển khai tiêm chủng vaccine phòng dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc, song Ủy ban Xã hội lưu ý Việt Nam vẫn chưa cấp phép đăng ký, sử dụng cho bất kỳ vaccine Covid-19 nào sản xuất trong nước dù là quốc gia thứ 3 trên thế giới nuôi cấy và phân lập thành công virus.
Từ phản ánh của các địa phương được khảo sát, Ủy ban Xã hội nhận định có nhiều tình huống phát sinh, khó khăn không thể lường hết. Điển hình là cơ quan, cá nhân thực hiện biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù tại từng thời điểm chống dịch; nhưng sau đó, quá trình thanh tra, kiểm tra, quyết toán lại không xem xét yếu tố cấp bách mà chỉ áp dụng văn bản pháp pháp luật hiện hành trong điều kiện bình thường để đối chiếu, xem xét xử lý.
“Điều này gây ra tâm lý hoang mang của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong lĩnh vực y tế”, đại diện cơ quan thẩm tra nói.
Ghi nhận hai kiến nghị của Chính phủ, cơ quan thẩm tra cho rằng để có đủ cơ sở cho Quốc hội quyết định tiếp tục thực hiện Nghị quyết, Chính phủ cần có báo cáo đánh giá tổng quan, đánh giá tác động, từ đó đề ra phương hướng, danh mục cụ thể nội dung cần làm cho thời gian tới phù hợp với thực tiễn hiện nay.
“Theo một số thông tin, năm 2023 sẽ xuất hiện nguy cơ thiếu thuốc khi hơn 14.000 thuốc hết hiệu lực đăng ký lưu hành, ảnh hưởng lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh nói chung”, bà Thúy Anh đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân của nguy cơ này và có tờ trình chính thức để Quốc hội xem xét, quyết định.