Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quy trình bên trong viện dã chiến được tổ chức ra sao?

Trong khuôn viên viện dã chiến, mọi quy trình đều được thực hiện một chiều để đảm bảo không lây chéo hoặc tái lây nhiễm.

Để yên cho bác sĩ 'hiền' - Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể của tác giả, bác sĩ Ngô Đức Hùng là một cuốn nhật ký vắn tắt nhưng súc tích và nhiều cảm xúc về đại dịch Covid-19. Nó đem đến cho độc giả góc nhìn khác về cuộc chiến chống dịch tại Việt Nam của chính các bác sĩ tuyến đầu.

Được sự đồng ý của Nhã Nam, Zing trích đăng một phần cuốn sách.

Bà cụ hàng ngày ngồi trên giường mở quyển kinh Phật ra dựa vào ánh sáng từ bên ngoài chiếu vào để đọc một cách lặng lẽ. Mỗi lần làm việc qua đó mình lại thấy, khung cửa sổ trắng đóng khung đôi tay nhăn nheo cầm quyển kinh, cùng chiếc khăn mỏ quạ vải satin đen trùm trên vấn tóc đỏ đun cùng vài lọn tóc trắng lấp ló.

Nếu bối cảnh xảy ra ở một nơi khác, thì đây là điển hình của sự tưởng tượng về người bà trong văn học phía đồng bằng Bắc Bộ, nằm trong những câu chuyện cổ tích của trẻ con.

Bà cụ ngồi đó chăm chú, mặc kệ xung quanh hành lang xúm xít nhân viên áo trắng đẩy xe đi phát thuốc.

Một lần, mình không nhịn được liền rẽ vào gọi bà ơi bà không đeo kính à. Bà cụ rời mắt khỏi quyển kinh trong tay nhìn lên, nghiêng đầu, giọng mờ đục bảo: "Haaaaaaả?".

Mình gào to hơn một tí: "Sao bà không ra ngoài này ngồi đọc cho saaaáng?".

Vẫn giọng mờ đục cùng ánh mắt ấy, bà lại: "Haaaaaaả?".

Thế rồi mình bảo thôi cháu đi đây, quay ra hành lang với câu nói với theo đằng sau "Haaaaaả?" kèm theo tiếng cười hí hí của bọn trẻ.

Nhat ky covid anh 1

Các bác sĩ vẫn đang ngày đêm làm việc để góp sức vào cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ảnh: Tăng Quang.

Bên trong viện dã chiến

Chiều. Tiếp tục mặc bộ quần áo nuôi ong đi sang khu xét nghiệm âm tính. Những người bệnh thể trạng tốt sau vài ngày theo dõi và điều trị ngoáy họng làm Covid bắt đầu âm tính sẽ được điều chuyển sang khu khác để quản lý.

Nếu âm tính đủ ba lần, đạt các tiêu chí về thời gian và xét nghiệm máu thì cho ra viện. Cả đội quản lý theo dòng chảy một chiều để tránh lây nhiễm chéo hoặc tái lây nhiễm nếu có.

Còn nhân viên y tế, ban đầu sẽ làm việc tại khu sạch trước, nghĩa là khu âm tính đã tạm lui bệnh sau đó đi dần về phía khu còn dương tính, cuối cùng là dương tính mạnh.

Cuối cùng khử trùng tháo bỏ đồ bảo hộ ra vòng ngoài. Vòng ngoài làm nhiệm vụ hậu cần, thống kê số liệu xét nghiệm vào ra tránh bỏ sót cùng với cung cấp các trang thiết bị đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cho cả người bệnh lẫn nhân viên y tế. Ngoài ra có đội chống nhiễm khuẩn hàng ngày giám sát quy trình bảo hộ, quản lý sát trùng bề mặt theo giờ.

Để setup được một bệnh viện dã chiến dựa trên cơ sở sẵn có, cùng chừng ấy luồng di chuyển để các đội không tiếp xúc với nhau là điều không hề dễ dàng.

Người bệnh khu sạch không có gì đặc biệt, thuốc điều trị cũng giảm bớt dần. Sau đợt Covid ở Đà Nẵng thì câu chuyện về con virus này đã rõ ràng hơn. Chúng gây tắc các mạch máu nhỏ ào ạt trong thời gian ngắn, nếu người bệnh vượt qua được thì hết chả làm sao.

Nếu tiến triển nặng lên, tắc luôn các mao mạch phổi sẽ gây suy hô hấp, người bệnh không thở được, nặng hơn nữa thì tử vong. Việc theo dõi và điều trị nhằm mục đích không để việc này xảy ra, hoặc đã xảy ra rồi thì ngăn không cho nó nặng hơn.

Mối nguy cơ vô hình này luôn luôn ám ảnh trong đầu các bác sĩ điều trị, khiến họ phải thận trọng trong việc theo dõi là vì vậy.

Việc đầu tiên khi vào đây, gặp các chị em mình hỏi các chị có đủ băng vệ sinh dùng không? Một chị cuối phòng bảo anh là người đầu tiên hỏi bọn em vụ này đấy. Mình cười he he bảo nếu đủ thì có nghĩa các dụng cụ sinh hoạt khác sẽ không thiếu.

...

Sau khi kiểm tra hết các thông tin và rà xét nghiệm ngoáy họng cùng các nhân viên y tế dã chiến cũng mặc bộ đồ nuôi ong, vừa xuống sân định đi thì có cô bé thập thò đứng xa xa dè dặt gọi bác sĩ ơi cho em nhờ tí. Mình dừng lại, em muốn gì vậy?

Cô bé sửa lại cái khẩu trang rồi bảo em muốn hỏi nhờ tình hình của bà. Cả nhà em nằm viện, mấy hôm nay âm tính chuyển hết sang đây. Chỉ còn bà vẫn dương tính nằm bên kia. Mình ờ. Cô bé tiếp bà em 90 tuổi rồi, lãng tai không nghe thấy gì đâu, suốt ngày chỉ đọc kinh thôi, các anh làm gì phải nói thật to hộ em nhé.

Hôm sau qua khu bệnh nhân dương tính, gặp lại bà cụ mình gào lên cháu gái bà nhớ bà đấy. Bà cụ lại buông quyển kinh nghiêng đầu ngước lên nhìn cùng giọng già nua mờ đục: "Haaaaaả".

Mình liền ngoáy mấy chữ “cháu bà nhớ bà lắm đấy” vào mảnh giấy nhỏ đưa cho bà cụ. Bà cầm lấy gập làm tư nhét vào túi, chả biết có đọc hay không.

Cuộc thi viết thư quốc tế UPU năm 2021 có đề tài về đại dịch Covid-19

Năm nay, vấn đề nhức nhối toàn cầu, đại dịch Covid-19, được chọn làm đề tài cho cuộc thi viết thư quốc tế lần thứ 50.

Một năm vượt khó của ngành sách

Vượt qua một năm đầy thách thức do Covid-19, ngành xuất bản đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021, trong đó có việc nâng cao chất lượng sách.

Trích "Để yên cho bác sĩ 'hiền' - Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể"

Bạn có thể quan tâm