Các cầu thủ U22 Việt Nam dùng điện thoại tại SEA Games 30. Nguồn: Saostar. |
Tôi đã lên đường tới Việt Nam với tâm niệm sẽ tuyệt đối tôn trọng văn hóa của họ. Tôi cũng nói với các cầu thủ rằng tôi tôn trọng mọi văn hóa và truyền thống, nhưng tôi sẽ sửa lại cách chơi bóng của họ.
Không quá lời khi nói rằng lịch sử bóng đá Việt Nam được chia làm hai giai đoạn, đó là trước và sau Park Hang-seo. Chính thành tích thi đấu đã và đang nói lên điều ấy. Nhưng tại sao lại có được sự thay đổi chóng mặt ấy?
Khi được hỏi rằng ông đã làm thay đổi điều gì và thay đổi như thế nào để có thể thành công ở cương vị huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam, Park Hang-seo đáp lại rằng: “Tôi không làm gì đặc biệt”.
Tuy khiêm tốn như vậy nhưng trên thực tế là chỉ vỏn vẹn ba tháng ngắn ngủi sau khi ngồi vào ghế huấn luyện viên trưởng, Park Hang-seo đã phải dẫn dắt đội tuyển bước vào giải đấu đầu tiên và thực chất là ông đã chưa thể thay đổi được gì nhiều.
Park Hang-seo cho rằng điều quan trọng trước tiên là ông cần phải thực sự hiểu về Việt Nam. Ông cân nhắc rất nhiều yếu tố, mà trong đó không chỉ có việc chơi bóng trên sân cỏ, mà còn phải cân nhắc tới cả những biến số về môi trường, biến số về văn hóa có thể ảnh hưởng tới việc chơi bóng của các cầu thủ.
Bên cạnh đó, việc Park Hang-seo ngồi vào ghế huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam không nhận được sự hoan nghênh, đồng thuận của toàn bộ dư luận và báo giới Việt Nam. Bóng đá Việt Nam từng hợp tác với khá nhiều huấn luyện viên châu Âu, khi đó thì làn sóng du nhập của các huấn luyện viên phương Tây vào châu Á đang rất thịnh hành.
Hơn nữa, việc Park Hang-seo không có nhiều thành tích đáng kể khi hoạt động trong giới bóng đá Hàn Quốc cũng tạo ra nhiều nghi ngại. Trong bối cảnh như vậy, khi mới chân ướt chân ráo tới Việt Nam, Park Hang-seo không vội vã đưa ra những phương pháp điều hành đội bóng theo cách của riêng mình. Ông đã chọn cách đến với bóng đá Việt Nam từ bước đi đầu tiên là tìm hiểu tâm lý cầu thủ Việt Nam cũng như tâm lý của giới bóng đá Việt Nam.
“Tôi không cố sức thay đổi điều gì. Khi đó tôi cũng chưa biết nhiều về Việt Nam, như các bạn đã biết thì khi mới nhậm chức tôi cũng gặp phải thái độ lạnh nhạt từ nhiều phía, người Việt Nam khi đó vẫn còn đặt ra dấu hỏi về kinh nghiệm của tôi. Vì vậy, việc đầu tiên tôi làm là tìm hiểu về Việt Nam.
Tôi đã tìm đến huấn luyện viên trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam Park Chung Gun - một người đã sống ở Việt Nam hơn 10 năm nay. Tuy khác bộ môn nhưng đều thuộc lĩnh vực thể thao nên tôi đã xin lời khuyên của ông ấy về thói quen của các vận động viên Việt Nam và những khác biệt về văn hóa. Tôi cũng đọc sách viết về Việt Nam, học về lịch sử của các bạn. Việc đầu tiên tôi làm là tìm hiểu về đất nước Việt Nam và các vấn đề của bóng đá nơi đây”.
HLV Park Hang-seo. |
Tìm hiểu về Việt Nam để tìm ra hướng đi đúng đắn cho bóng đá Việt Nam
Người ta chỉ nhìn thấy những gì mà mình biết. Vì vậy không thể tìm hiểu qua loa, bề mặt mà phải hiểu sâu, nắm rõ. Trước hết, Park Hang-seo vạch ra những điều ông có thể thay đổi và những điều không được phép thay đổi.
Hàn Quốc cũng như bóng đá Hàn Quốc chắc chắn phát triển hơn Việt Nam, rõ ràng tiềm lực của bóng đá Hàn Quốc đang đứng trên Việt Nam một bậc, nhưng không thể cứ bê nguyên phương thức mà bóng đá Hàn Quốc cho là sang áp dụng y hệt với Việt Nam. Trước khi bắt tay vào cải tổ, Park Hang-seo luôn lấy xuất phát điểm là sự tôn trọng đối với đất nước này.
Việc đầu tiên Park Hang-seo tiếp thu và chấp thuận là văn hóa ngủ trưa của người Việt. Do điều kiện khí hậu nóng ẩm nên người Việt Nam có thói quen bắt đầu làm việc từ sáng sớm để tránh nắng nóng và dành thời gian ngủ nghỉ vào buổi trưa.
Để không ảnh hưởng tới thời gian nghỉ trưa của các cầu thủ, Park Hang-seo đẩy giờ luyện tập vào buổi sáng lên sớm hơn. Người Việt Nam thường bắt đầu ngày mới từ 5 giờ sáng và làm việc từ 6-7 giờ sáng. Như vậy các cầu thủ sẽ dậy sớm tập luyện, sau đó ăn trưa và kết thúc lịch làm việc để có thể đảm bảo việc nghỉ ngơi. Đột ngột thay đổi giờ giấc sinh hoạt có thể ảnh hưởng xấu tới điều kiện sức khỏe và khả năng tập trung tập luyện của cầu thủ.
Trong quá trình huấn luyện và làm việc với đội tuyển Việt Nam, Park Hang-seo tuyệt đối không can thiệp vào thời gian nghỉ ngơi của các cầu thủ. Nhưng cũng có văn hóa mà Park Hang-seo yêu cầu các cầu thủ phải thay đổi. Đó là thói quen sử dụng điện thoại trong bữa ăn.
Có nhiều cầu thủ vừa thuộc danh sách đội tuyển U-23 vừa thuộc đội tuyển quốc gia, do đó thời gian hội quân ở đội tuyển quốc gia nhiều hơn thời gian hội quân của đội tuyển quốc gia Hàn Quốc. Tuy nhiên, thực tế thời gian các cầu thủ hội quân với đội tuyển quốc gia không thể nhiều bằng thời gian họ chơi bóng và giao lưu với đồng đội ở câu lạc bộ. Do đó, việc yêu cầu các cầu thủ tranh thủ mỗi đợt huấn luyện tập trung trên tuyển để giao lưu, trò chuyện và trở nên thân thiết với nhau trong các bữa ăn là rất quan trọng.
Và để không ảnh hưởng tới việc giao lưu giữa huấn luyện viên với cầu thủ, cũng như giữa các cầu thủ với nhau thì tuyệt đối không được sử dụng điện thoại di động trong giờ ăn. Ngồi cùng một bàn ăn nhưng nếu ai cũng mải mê nhìn vào màn hình điện thoại thì cuộc nói chuyện chắc chắn sẽ bị gián đoạn.
Không chỉ trong bữa ăn mà ngay cả khi cả đội cùng di chuyển trên xe buýt, các thành viên trong đội tuyển cũng không được phép sử dụng điện thoại di động.
Bởi vì đây là khoảng thời gian rất quý báu để các cầu thủ nghỉ ngơi thư giãn, hồi phục thể lực. Để mọi người tuân thủ quy tắc chung, Park Hang-seo còn đề ra quy định ai vi phạm sẽ phải nộp tiền phạt, và chính bản thân ông cũng nghiêm túc chấp hành nộp phạt nếu có nhỡ quên không cài đặt điện thoại ở chế độ im lặng trong bữa ăn của đội tuyển.
Sự ra đời của điện thoại thông minh đã khắc phục mọi rào cản về không gian và thời gian ảnh hưởng đến việc kết nối của con người. Tuy nhiên, nó lại rút ngắn thời gian đối thoại trực tiếp của con người, khiến cho chúng ta xao nhãng, mất tập trung khi cần đối thoại trực tiếp với người khác.
Nếu không phải trong thời gian hội quân của đội tuyển quốc gia thì Park Hang-seo, Lee Young Jin cũng như các thành viên khác trong thành phần ban huấn luyện thường liên lạc với nhau thông qua tin nhắn điện thoại, tuy nhiên thời gian hội quân của đội tuyển, họ đã đặt ra trong một vài quy tắc sinh hoạt chung như vậy để giảm thiểu tác động không tốt của điện thoại thông minh.
Đây là điều cần thiết giúp không chỉ 11 cầu thủ thi đấu trên sân mà cả 23 cầu thủ có mặt trong danh sách cuối cùng của đội tuyển quốc gia có thể rút ngắn khoảng cách trong sinh hoạt tập thể để đoàn kết như một.