Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quy định nghiêm ngặt khi tổ chức kỳ họp Quốc hội trong dịch

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội quán triệt phòng, chống dịch đặt ở mức cao nhất. Các đoàn đại biểu không giao lưu, không đi khỏi nơi lưu trú", ông Bùi Văn Cường nói.

Kỳ họp đầu tiên của khóa XV khai mạc sáng 20/7 trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương. Trao đổi với Zing, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, khẳng định công tác phòng, chống dịch tại kỳ họp được đặt ở mức cao nhất.

Tính toán chặt chẽ các phương án

- Với bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, Văn phòng Quốc hội đã xây dựng, chuẩn bị những kịch bản nào cho kỳ họp quan trọng này?

- Thời gian qua, Văn phòng Quốc hội đã tích cực phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ GTVT… bảo đảm phòng, chống và ngăn ngừa khả năng lây lan của dịch bệnh. Từ việc tiêm vaccine, xét nghiệm cho đến ăn ở, đi lại, vị trí ngồi họp của đại biểu Quốc hội đều được tính toán kỹ lưỡng, chặt chẽ.

Dai bieu Quoc hoi khong giao luu de tranh lay Covid-19 anh 1

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: Hải Quân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã quán triệt công tác phòng, chống dịch phải đặt ở mức độ cao nhất. Ngoài việc triển khai tiêm vaccine, các hoạt động của kỳ họp cần tuân thủ nghiêm biện pháp giãn cách, xét nghiệm sàng lọc Covid-19, tăng tần suất xét nghiệm theo yêu cầu đặt ra với từng nhóm đối tượng của kỳ họp... Văn phòng Quốc hội cũng chủ trì thành lập bộ phận chỉ huy phòng, chống dịch trong kỳ họp.

Đại biểu Quốc hội ở địa phương đang thực hiện Chỉ thị 15 và 16 được bố trí khu vực riêng

Ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Bên cạnh đó là việc lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các đại biểu, khách mời trước khi tham dự; cán bộ, người phục vụ kỳ họp 2 lần (lần đầu trước khi khai mạc kỳ họp 7 ngày, lần hai trước khi khai mạc kỳ họp 1-2 ngày).

Đại biểu Quốc hội ở địa phương đang thực hiện Chỉ thị 15 và 16 được bố trí khu vực riêng; có quy trình, phương án cụ thể xử lý các trường hợp phát hiện nghi nhiễm hoặc nhiễm Covid-19 và có bố trí phòng cách ly.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo hạn chế tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp không liên quan đến nội dung kỳ họp trong thời gian họp; đồng thời, chỉ đạo các đoàn đại biểu không giao lưu, không đi khỏi nơi lưu trú, nơi họp để tránh lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.

- Dịch Covid-19 được dự báo còn kéo dài, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ. Theo ông, hoạt động của Quốc hội cần hướng tới những mục tiêu cụ thể, thiết thực gì?

- Dịch Covid-19 khó kiểm soát trong thời gian ngắn, mà phải tính bằng năm. Như vậy, có thể trong thời gian nửa đầu nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XV sẽ hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhiều thách thức và áp lực.

Theo dự báo và báo cáo đánh giá của các tổ chức quốc tế, hậu quả của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề, đe dọa nền an ninh kinh tế, chính trị, xã hội quốc gia, nhất là những nước kém phát triển và nước thu nhập trung bình thấp.

Vì vậy, yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra đối với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là rất nặng nề, nhiều khó khăn, thử thách. Song, đây cũng là cơ hội để “biến nguy thành cơ”, “biến không thể thành có thể”, “biến bất lợi thành có lợi”.

Theo tôi, Quốc hội tới đây cần tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả. Đồng thời, Quốc hội cần kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành các luật mới, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Đặc biệt, Quốc hội cần tăng giám sát các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, những vấn đề lớn, quan trọng hoặc bức xúc trong xã hội và việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát.

Song song là việc đẩy mạnh hoạt động chất vấn, nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; tăng năng lực dự báo với tầm nhìn dài hạn, tổng thể, nhất là các vấn đề về kinh tế vĩ mô, tài chính, ngân sách Nhà nước, đầu tư công, định hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…

Ít đại biểu “nhiều vai”, kiêm nhiệm

- Nhiệm kỳ khóa XV ít có sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo Quốc hội, theo ông, điều này tạo nên những thách thức gì?

- Đúng là nhiệm kỳ này ít có sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Đó vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội, thời cơ cho hoạt động của Quốc hội khóa XV. Trong khi đó, công tác phòng, chống Covid-19 đòi hỏi nhiều công sức, vật lực.

Song, chúng ta đã tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kế thừa công tác kiện toàn nhân sự bước đầu của kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Vị thế, uy tín, cơ đồ, tiềm lực và thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng được nâng cao. Đó là những yếu tố thuận lợi cho hoạt động của Quốc hội.

Quốc hội khóa XV ít đại biểu “nhiều vai”, theo đúng chủ trương hướng đến một Quốc hội đổi mới và chuyên nghiệp

Ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Tham gia vào Quốc hội cũng là cơ hội để đại biểu, lãnh đạo cơ quan Nhà nước thể hiện tinh thần, trách nhiệm trước cử tri và nhân dân; biến bất lợi thành có lợi, biến thách thức thành cơ hội.

Đại biểu Quốc hội cần nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, cống hiến thật, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực. Sự kỳ vọng, tin tưởng của cử tri và nhân dân vào kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa XV sẽ là cơ sở để đại biểu lựa chọn, xem xét, bầu ra được bộ máy các cơ quan Nhà nước đủ tầm, tâm, tài để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn mới.

- Cơ cấu, thành phần số lượng đại biểu Quốc hội của khóa XV có gì mới, đột phá so với khóa XIV và một số khóa Quốc hội trước đây, để minh chứng Quốc hội đang hướng tới mục tiêu ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả?

- Sự cải tiến, đổi mới về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu của Quốc hội các khóa, nhất là Quốc hội khóa XV, đã cho thấy nỗ lực để tiến tới một Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả.

Minh chứng Quốc hội khóa XV đang hướng tới hoạt động chuyên nghiệp, đó là trong số 499 người trúng cử thì có 151 đại biểu là nữ - lần đầu tiên từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá VI đến nay, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là phụ nữ đạt trên 30%. Trong số những người trúng cử còn có 89 đại biểu là người dân tộc thiểu số (17,84%); 47 đại biểu trẻ dưới 40 tuổi (9,42%) và 14 đại biểu là người ngoài Đảng.

Số lượng đại biểu khóa XIV tái cử hoặc từng là đại biểu Quốc hội các khóa trước có 203 người (40,68%); đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội 296 người (59,32%).

Số đại biểu hoạt động chuyên trách ở Trung ương là 126 người; đại biểu hoạt động chuyên trách ở địa phương là 67 người...

Các cơ cấu kết hợp trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đều đạt hoặc vượt chỉ tiêu đặt ra. Ảnh: Thuận Thắng.

Như vậy, các cơ cấu kết hợp trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đều đạt hoặc vượt chỉ tiêu đặt ra. Đặc biệt, trên diễn đàn Quốc hội sắp tới có các đại biểu thế hệ 9X - những người sẽ đem đến nhiệt huyết của tuổi trẻ vào hoạt động nghị trường.

Trình độ chuyên môn của những người trúng cử Quốc hội khóa XV cũng cao hơn so với nhiệm kỳ trước.

Nhìn vào cơ cấu, số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV, có thể nhận thấy tình trạng đại biểu “nhiều vai” đã ít hơn, theo đúng chủ trương hướng đến một Quốc hội đổi mới và chuyên nghiệp. Quốc hội cũng giảm đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách lên gần 40%.

Việc tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách là xu hướng tất yếu và cũng là điều kiện quan trọng, tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động của Quốc hội đang ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn. Bởi lẽ, đại biểu Quốc hội chuyên trách chính là nòng cốt, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng xem xét, thảo luận và thông qua các quyết sách của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

- Xin cảm ơn ông!

Bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng vào 26/7

Trong ngày 26/7, Quốc hội sẽ bầu 3 chức danh quan trọng là Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chánh án TAND Tối cao. Ba nhân sự được bầu thực hiện nghi lễ tuyên thệ ngay sau đó.

Những điểm mới trong cơ cấu đại biểu Quốc hội khóa XV

Giảm đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong cơ quan hành pháp, tư pháp; lần đầu tiên tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách đạt 38,6% và tỷ lệ đại biểu Quốc hội là phụ nữ đạt trên 30%...

Nghị trình kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV khai mạc sáng 20/7, gói gọn trong 2 tuần, trọng tâm là kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026.

Hoài Thu thực hiện

Bình luận

Bạn có thể quan tâm