Nhiều điểm mới về cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV đã được Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường khái quát trong cuộc trao đổi với Zing.
Chiều 10/6, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã chính thức công bố kết quả và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa mới.
Giảm đại biểu kiêm nhiệm trong các cơ quan hành pháp, tư pháp
- Xin ông thông tin khái quát về kết quả bầu cử cũng như cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV?
- Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã diễn ra dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm an toàn, tiết kiệm và thành công rất tốt đẹp. Cuộc bầu cử lần này có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, lại diễn ra trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 bùng phát đợt thứ tư với nhiều diễn biến phức tạp, nhưng đã được tổ chức rất thành công và an toàn tuyệt đối.
Số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm nhiều (chỉ bằng 18% so với các kỳ bầu cử trước); công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được thực hiện tích cực, khách quan, đúng quy định; không có các tình huống bất thường xảy ra ngay cả tại một số địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng…
Tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu rất cao, đạt 99,60% - thể hiện ý thức chính trị, trách nhiệm, lòng yêu nước, niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, từ đó tích cực tham gia bầu cử để lựa chọn những người tiêu biểu, xứng đáng tham gia vào Quốc hội, HĐND các cấp.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường chia sẻ nhiều điểm mới trong cơ cấu đại biểu Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quang Phúc. |
Có thể khẳng định rằng, các yếu tố về số lượng, thành phần, cơ cấu dự kiến cơ bản được đảm bảo trong lần bầu cử này. Cuộc bầu cử đã bầu được 499 đại biểu Quốc hội, bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng và có thành phần, cơ cấu hợp lý. Tỷ lệ đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp và cơ quan quản lý Nhà nước giảm, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách tăng (chiếm tỷ lệ 38,6% số đại biểu trúng cử).
Đáng lưu ý, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là phụ nữ cao nhất kể từ khoá VI đến nay (đạt tỷ lệ 30,26%, cao hơn 5,8% so với khóa XIV); trình độ chuyên môn của những người trúng cử cũng có những chỉ tiêu cao hơn so với nhiệm kỳ trước (tỷ lệ trên đại học đạt 78,56% - cao hơn 16% so với khóa XIV).
- So với Quốc hội khóa XIII và XIV, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV có gì khác biệt và đổi mới?
- Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV đã bầu được 499 đại biểu Quốc hội khóa XV (đạt 99,8% số lượng cần bầu), so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, kết quả bầu và được công nhận trúng cử cao hơn 0,6%.
Về cơ cấu kết hợp cụ thể như sau:
+ Đại biểu là phụ nữ: 151 người (tỷ lệ 30,26%), cao hơn 5,8% so với khóa XIV
+ Đại biểu là người dân tộc thiểu số: 89 người (tỷ lệ 17,84%), cao hơn 0,5% so với khóa XIV
+ Đại biểu trẻ dưới 40 tuổi: 47 người (tỷ lệ 9,42%).
+ Đại biểu là người ngoài Đảng: 14 người
+ Đại biểu tự ứng cử trúng cử 4 người.
+ Đại biểu tái cử: 196 người (tỷ lệ 39,28%), cao hơn 6,9% so với khóa XIV
+ Đại biểu đã từng tham gia Quốc hội các khóa trước (nhưng không phải là đại biểu khoá XIV): 7 người
+ Đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội: 296 người (tỷ lệ 59,32%), thấp hơn 4,6% so với Quốc hội khóa XIV
+ Trình độ chuyên môn: Đại học và trên đại học có 498 người (tỷ lệ 99,79%), cao hơn 15,92% so với khóa XIV; dưới đại học: 1 người (tỷ lệ 0,20%)
+ Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp: 424 người (tỷ lệ 84,97%); trung cấp 10 người (tỷ lệ 2%); sơ cấp: 5 người (1%)
+ Học hàm, học vị: tiến sĩ: 144 người (tỷ lệ 28,85%); thạc sĩ: 248 người (tỷ lệ 49,69%); Giáo sư, Phó giáo sư có 32 người.
Với kết quả nêu trên, có thể thấy, cuộc bầu cử đã bầu chọn được các đại biểu Quốc hội khóa XV bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng và có cơ cấu hợp lý, giảm đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp; tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách.
Điểm mới trong cơ cấu, thành phần số lượng đại biểu Quốc hội, đó là lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội dự kiến hoạt động chuyên trách trúng cử đạt 38,6% tổng số người trúng cử.
Các cơ cấu kết hợp như tỷ lệ đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử đều đạt hoặc vượt so với dự kiến. Đặc biệt, cũng lần đầu tiên trong 9 nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là phụ nữ đạt trên 30%. Trình độ chuyên môn của những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV cũng cao hơn so với nhiệm kỳ trước.
Kỳ vọng đại biểu Quốc hội dám nghĩ, dám làm vì dân, vì nước
- Rút kinh nghiệm từ một số trường hợp đại biểu Quốc hội các khóa trước khi đã tham gia Quốc hội mới phát hiện sai phạm dẫn đến việc phải xóa tư cách hoặc bãi nhiệm, lần này, việc xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được thực hiện như thế nào?
- Để bảo đảm lựa chọn được những nhân sự thật sự xứng đáng, tiêu biểu tham gia Quốc hội khóa XV, công tác xem xét hồ sơ của ứng cử viên được các tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện bắt đầu từ ngày nhận hồ sơ đến ngày Hội đồng Bầu cử Quốc gia ban hành Nghị quyết xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội kỳ vọng các đại biểu Quốc hội vừa trúng cử sẽ là những người có tâm, có tầm, có bản lĩnh, trí tuệ, dám đổi mới sáng tạo trong công việc, dám nghĩ, dám làm vì dân, vì nước. Ảnh: Thuận Thắng. |
Theo quy định tại Điều 88 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015, việc xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV được thực hiện căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người trúng cử đại biểu Quốc hội.
Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội, cấp giấy chứng nhận đại biểu Quốc hội khóa XV cho người trúng cử và báo cáo Quốc hội khóa XV về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên, Quốc hội khóa XV.
- Với những thay đổi tích cực và yêu cầu cao hơn qua mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, theo ông, những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa mới cần chú trọng vào những yếu tố nào để đóng góp hiệu quả cho hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất?
- Để đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Quốc hội đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, theo tôi bản thân mỗi đại biểu Quốc hội cần phải tự ý thức, tự đổi mới, luôn trau dồi kiến thức, nâng cao trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri.
Tôi mong các đại biểu Quốc hội vừa trúng cử sẽ là những người có tâm, có tầm, có bản lĩnh, trí tuệ, dám đổi mới sáng tạo trong công việc, dám nghĩ, dám làm vì dân, vì nước; trung thực, liêm khiết, đấu tranh chống tham nhũng, theo đuổi đến cùng việc giải quyết những kiến nghị chính đáng của cử tri và bhân dân.
Đặc biệt, bên cạnh việc thực hiện lời hứa trong chương trình vận động bầu cử, tôi mong rằng các đại biểu Quốc hội khóa XV sẽ chú trọng hơn đến quy trình, kỹ năng lập pháp, góp phần nâng cao chất lượng thảo luận, xem xét và thông qua các dự án luật, từ đó, ban hành được các đạo luật luôn gắn liền với đời sống của nhân dân, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Các đại biểu Quốc hội cũng cần tăng cường kỹ năng hoạt động giám sát của Quốc hội, hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, kịp thời phát hiện những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong cuộc sống của nhân dân, kiến nghị với Quốc hội sớm có giải pháp xử lý kịp thời.
Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cần quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng Quốc hội điện tử; cần có kiến thức về chuyển đổi số, kinh tế số trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0; đồng thời, có nhiều giải pháp hữu hiệu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.