Nhân dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ hợp tác giữa Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Việt Nam, Zing.vn trân trọng giới thiệu bài viết của bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA ở Việt Nam, về chặng đường hợp tác giữa hai bên.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường xuyên chuyện trò với nhau về công việc, cuộc sống và những thứ đang diễn ra xung quanh ta. Tôi cũng không ngoại lệ.
Tôi nói chuyện, hỏi han mọi người vì tôi thực sự quan tâm đến những người xung quanh mình và luôn muốn tìm hiểu những vấn đề quan trọng đối với họ để cùng nhau chia sẻ.
Cuộc sống có lẽ sẽ không thú vị và xã hội của chúng ta sẽ không tiến bộ nếu không có những khuôn mặt, những câu chuyện và sự tương tác của con người.
Khi nói chuyện với các đồng nghiệp người Việt Nam tại văn phòng UNFPA, có một chủ đề mà chúng tôi rất hay nhắc đến, đó là, những người không làm việc tại UNFPA hoặc không làm việc trong các tổ chức thuộc LHQ nghĩ gì về công việc mà chúng tôi đang làm tại đất nước tuyệt vời này.
Thông thường, bạn bè và người quen của các đồng nghiệp nơi tôi công tác thường cho rằng công tác dân số mà UNFPA thực hiện chỉ đơn giản là công tác kế hoạch hóa gia đình. Thực chất, đây chỉ là một phần trong công việc của chúng tôi.
Lấy con người làm trung tâm
Sự thật là, nhiệm vụ và các công tác dân số mà UNFPA thực hiện tập trung vào vấn đề đặt con người ở vị trí trung tâm, hỗ trợ người dân thực hiện các quyền cơ bản của mình trong chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục để bản thân họ có được một cuộc sống khỏe mạnh và có chất lượng hơn. Hãy để tôi giải thích rõ hơn về việc này.
Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA ở Việt Nam. Ảnh: UNFPA. |
Khi UNFPA bắt đầu hoạt động tại Việt Nam vào năm 1977, đất nước Việt Nam đang bắt đầu hồi phục sau nhiều thập kỷ chiến tranh và xung đột liên miên để lại đằng sau nó những hậu quả nặng nề.
Vào cuối thập niên 1970, Việt Nam phải đối mặt với một nền kinh tế non yếu và có thể thấy dấu hiệu của sự tàn phá do chiến tranh ở hầu hết các khu vực trên toàn quốc. Kinh tế của các hộ gia đình đều nghèo nàn và họ gặp phải vô vàn khó khăn trong quá trình xây dựng lại cuộc sống - có thể nói họ phải bắt đầu xây dựng lại cuộc sống từ con số 0 tròn trĩnh.
Mức sinh cao trong giai đoạn những năm 1970 (trên 5 con/phụ nữ) và các nhu cầu chưa được đáp ứng về các dịch vụ tránh thai và kế hoạch hóa gia đình làm chồng chất thêm những khó khăn trong chăm sóc sức khỏe đối với phụ nữ và gia đình của họ, đồng thời khiến mức sống càng thấp hơn.
Với tinh thần chú trọng tới con người và đáp ứng các nhu cầu của con người, không ngạc nhiên khi UNFPA tập trung thực hiện cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho Việt Nam nhằm giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng của người dân về biện pháp tránh thai và kế hoạch hóa gia đình.
Là một đối tác đáng tin cậy của chính phủ, với cam kết mạnh mẽ về đảm bảo các quyền cho người dân trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình tự nguyện cũng như mong muốn đáp ứng nhu cầu to lớn trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, UNFPA đã hỗ trợ chính phủ Việt Nam bằng cách cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực, cung cấp các trang thiết bị y tế và các phương tiện tránh thai cho những nhóm dân số có nhu cầu cấp thiết nhất. UNFPA đã có những đóng góp to lớn trong việc cải thiện đáng kể sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em.
Với sự hỗ trợ của UNFPA, số lượng và tỷ lệ phụ nữ tử vong do biến chứng khi mang thai hoặc khi sinh đã giảm đáng kể. Nhìn chung, quy mô gia đình đã nhỏ hơn, các thành viên trong gia đình mạnh khỏe hơn và kinh tế của các gia đình đã vững vàng hơn đáng kể so với 4 thập kỷ trước.
Hàng triệu người dân đã được trang bị kiến thức tốt hơn về chăm sóc sức khoẻ sinh sản và sức khỏe tình dục, và có nhiều cơ hội tiếp cận với thông tin và dịch vụ mong muốn về vấn đề này để có được các kết quả tối ưu.
Có thể nói những công việc mà UNFPA đã và đang thực hiện có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển, sự tiến bộ xã hội của Việt Nam và nhu cầu của người dân Việt Nam. Sau khi ban hành chính sách đổi mới năm 1986, Việt Nam bước vào một giai đoạn kinh tế - xã hội mới trong đó xã hội trở nên cởi mở hơn.
Tuy nhiên, giai đoạn này đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện những thay đổi rõ ràng và thận trọng trong chính sách và cung cấp các dịch vụ xã hội để có thể đáp ứng nhu cầu của người dân trong bối cảnh dân số ngày càng gia tăng. Nền kinh tế mở mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức không chỉ đối với đất nước nói chung, mà còn đối với tất cả và từng người dân nói riêng.
Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và cải thiện bình đẳng giới
Trong giai đoạn này người dân Việt Nam cần nâng cao trình độ và văn hóa, cải thiện sức khỏe, tiếp cận được với các dịch vụ có chất lượng tốt hơn, cần được hưởng các cơ hội bình đẳng - quan trọng và cấp thiết hơn cả là cần nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em gái - để Việt Nam có thể bắt kịp thế giới và để cuộc sống của họ tốt hơn so với các thế hệ đi trước. Việt Nam còn một chặng đường dài phải phấn đấu để có thể mang lại những lợi ích này cho mọi người dân.
Với sự tham gia và cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) năm 1994, UNFPA đã mở rộng phạm vi hoạt động của mình tại Việt Nam nhằm đáp ứng và hỗ trợ các nhu cầu của người dân Việt Nam trong chăm sóc sức khoẻ sinh sản và sức khỏe tình dục, bao gồm kế hoạch hoá gia đình và bình đẳng giới. Với sự hỗ trợ của UNFPA, tỷ lệ sinh tiếp tục giảm và nhu cầu về chăm sóc sức khoẻ sinh sản và sức khỏe tình dục của cả nam giới và phụ nữ ngày càng được đáp ứng tốt hơn.
Vị thế của phụ nữ và trẻ em gái được nâng cao - điều này giúp họ có thể đưa ra sự lựa chọn của mình dựa trên các thông tin rõ ràng cụ thể và khả năng tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ thiết yếu - cho phép họ hoàn thành việc học tập, tham gia vào lực lượng lao động, lựa chọn có kết hôn hay không, lựa chọn thời điểm kết hôn đồng thời lựa chọn việc sinh con, thời điểm sinh con và số con mong muốn.
Song song với hỗ trợ cung cấp dịch vụ, UNFPA đã giúp đỡ Việt Nam thực hiện tất cả các cuộc tổng điều tra dân số và đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo chất lượng và độ tin cậy của dữ liệu dân số và dự báo xu hướng dân số. Các số liệu dân số này là mẫu số chung cho công tác lập kế hoạch quốc gia, kế hoạch vùng và kế hoạch của từng ngành.
Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng hoa cho bà Astrid Bant và các cán bộ đã có đóng góp cho công tác dân số và phát triển trong lễ kỷ niệm sáng 11/7. Ảnh: UNFPA. |
Hướng tới mục tiêu Phát triển Bền vững
Trong giai đoạn từ năm 2000 tới năm 2015, các chính sách và dịch vụ về dân số và chăm sóc sức khoẻ của Việt Nam đã được cải thiện và điều chỉnh một cách phù hợp nhằm đảm bảo quyền con người, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, góp phần đạt được Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG).
UNFPA là một trong những đối tác hàng đầu với những đóng góp quan trọng trong việc giúp Việt Nam giảm nghèo thành công, đạt được các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đầy tham vọng. Những hỗ trợ của UNFPA đã được ghi nhận khi Việt Nam được LHQ trao giải thưởng về Dân số và Phát triển.
Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành công đáng kể trong nhiều lĩnh vực phát triển và trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, công việc của UNFPA ở Việt Nam vẫn đang tiếp diễn vì vẫn còn rất nhiều vấn đề chưa được hoàn thiện - đặc biệt là trong giai đoạn từ nay tới năm 2030 với Chương trình Nghị sự về Phát triển Bền vững và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG).
Chương trình nghị sự và các mục tiêu phát triển bền vững mong muốn các quốc gia đảm bảo rằng “không có một ai bị bỏ lại đằng sau” trong quá trình phát triển - điều này đối với Việt Nam có nghĩa là phải đáp ứng nhu cầu cho hơn 90 triệu người.
Những thay đổi nhanh chóng về nhân khẩu học từ mức sinh cao xuống mức sinh thấp và tăng tuổi thọ bình quân đã tạo ra cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức mới. Toàn cầu hoá và công nghệ cũng tác động tới cuộc sống của người dân trên nhiều phương diện.
Tuy nhiên, sự chênh lệch vẫn đang tồn tại và thậm chí có xu hướng gia tăng ở một số nhóm dân số dễ bị tổn thương. Đây cũng chính là những nhóm dân số cần được hỗ trợ nhất và có nhiều nhu cầu cần được đáp ứng nhất.
Hơn bao giờ hết, Việt Nam cần tập trung giải quyết các nhu cầu của các nhóm dân số này trong suốt vòng đời của họ nếu Việt Nam thực sự mong muốn đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững.
Các nhóm dân số này bao gồm các cộng đồng dân tộc thiểu số, cộng đồng người đồng tính và người chuyển giới, người dân di cư nội địa, người mại dâm, những người sống chung với HIV và những nhóm người khác chẳng hạn như một số nhóm người cao tuổi.
Chúng ta không thể bỏ qua nhu cầu của những nhóm dân số này mà ngược lại cần phải có sự cảm thông, phải có những chính sách khuyến khích họ tham gia và có chính sách mang tính chiến lược lâu dài để biến sự phân biệt đối xử và vị trí bên lề xã hội của họ thành sự bình đẳng và cần phải nâng cao vị thế cho họ.
Chính vì vậy, UNFPA đã hợp tác với chính phủ và các tổ chức để đảm bảo rằng những nhu cầu này luôn được tập trung ưu tiên, đồng thời đảm bảo rằng công tác phối kết hợp giữa các bên nhằm đáp ứng được nhu cầu cho mọi người dân ở bất kỳ nhóm dân số nào.
Sự hợp tác của UNFPA cũng đảm bảo rằng các quyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của mọi người dân đều được thực hiện và đảm bảo. Các khung pháp lý và chính sách về dân số của Việt Nam đã được cải thiện để người dân có thể phát huy hết tiềm năng của mình.
Với các xu hướng dân số mang tính lâu dài cũng như các xu hướng dân số mới xuất hiện như cơ cấu dân số vàng, già hóa dân số đang ngày càng gia tăng, các dòng di cư lớn kèm theo quá trình đô thị hoá nhanh chóng và một số vấn đề khác như mất cân bằng giới tính khi sinh, bạo lực trên cơ sở giới và sự chênh lệch ngày càng tăng giữa các nhóm dân số, sự hợp tác và hỗ trợ của UNFPA cho chính phủ Việt Nam trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Giờ đây, chúng tôi đang vui mừng kỷ niệm những thành công đã đạt được trong quá trình hợp tác với chính phủ Việt Nam, nhưng chúng tôi sẽ tích cực hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo xây dựng một xã hội mà mọi người dân đều có thể thực hiện được các quyền cơ bản của con người, bao gồm quyền được tự do quyết định việc sinh con, thời điểm sinh con, khoảng cách sinh và số con mong muốn, quyền được có thông tin và phương tiện để thực hiện các quyền nói trên, quyền được hưởng cuộc sống có chất lượng trong mọi giai đoạn của cuộc đời đặc biệt là những quyền có liên quan tới các khía cạnh cơ bản nhất của cuộc sống.
UNFPA đã và đang làm hết sức mình vì hạnh phúc của mỗi người dân và cho tất cả người dân Việt Nam dù là phụ nữ, nam giới hay trẻ em. Mỗi người trong số họ đều xứng đáng được hưởng các quyền của mình để có một cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc và thành công.