Hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc (1,4 tỉ người) và Ấn Độ (1,3 tỉ người) sẽ sớm hoán đổi vị trí cho nhau vào khoảng năm 2024. Các nước còn lại nằm trong top 5 quốc gia đông dân nhất thế giới bao gồm Nigeria, Mỹ và Indonesia.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc hôm 21/6 cũng chỉ ra khu vực có tốc độ gia tăng dân số nhanh nhất là tiểu vùng Sahara thuộc Châu Phi. Tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên tại khu vực này vượt xa phần còn lại của thế giới. Tới năm 2050, 7 trong số 20 quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ nằm ở Châu Phi.
20 quốc gia đông dân nhất thế giới năm 2050. Số liệu: LHQ. |
Ngược lại, Châu Âu sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng già hóa dân số do tỷ lệ sinh tự nhiên không đạt được mức sinh thay thế (mức sinh đảm bảo sự thay thế của thế hệ sau cho thế hệ trước, khoảng 2,1 con/phụ nữ). Tại Đông Âu, dân số các nước Ukraine, Ba Lan, Serbia, Bulgaria, Romania và vùng Baltic sẽ giảm 15%, báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy.
"Tại các quốc gia đang đối mặt với tình trạng tỷ lệ sinh thấp và già hóa dân số, người nhập cư sẽ là động lực chính cho gia tăng dân số và ngăn chặn sự thu nhỏ của quy mô dân số", giám đốc cơ quan dân số Liên Hợp Quốc John Wilmoth nói.
Đáng chú ý, tỷ lệ sinh tự nhiên thấp hơn mức sinh thay thế xảy ra ở 83 quốc gia, chiếm 46% dân số thế giới, trong đó có Việt Nam. Điều này giúp làm chậm lại quá trình gia tăng dân số tại các quốc gia đang phát triển, nhưng đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng già hóa dân số tại các nước giàu.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng cho thấy tình trạng nam giới nhiều hơn nữ giới phổ biến trên toàn cầu (102 nam trên 100 nữ). Số người già trên 60 tuổi sẽ đạt 1 tỉ vào năm 2018 và cán mốc 2 tỉ năm 2050. Độ tuổi trung bình của dân số toàn cầu là 30 tuổi.