Vị vua 79 tuổi đã trị vì vương quốc Arab từ khi lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính không đổ máu năm 1970, với sự giúp đỡ của Anh.
Ông sống độc thân, không có vợ và con cái, cũng như chưa từng công bố người kế nhiệm. Một đạo luật năm 1996 ở Oman quy định rằng hoàng gia phải chọn người kế vị trong vòng ba ngày sau khi ngai vàng bỏ trống.
Theo Guardian, Quốc vương Qaboos bin Said có để lại một cái tên trong chiếc phong bì niêm yết phòng trường hợp hoàng gia không thể quyết định.
Nếu hoàng gia không thống nhất về người kế ngôi, một hội đồng quan chức quân sự và an ninh, cùng những người đứng đầu tòa án tối cao cùng lãnh đạo quốc hội sẽ đưa người có tên trong di thư của quốc vương lên nắm quyền.
Quốc vương Oman Qaboos bin Said đã qua đời đêm 10/1. Ảnh: Reuters. |
Oman vừa tuyên bố 3 ngày quốc tang và treo cờ rủ 40 ngày, theo truyền thông nhà nước Oman.
Hãng thông tấn nhà nước Oman ONA cho biết Quốc vương Qaboos không được khỏe trong vài năm qua và đã dành một tuần ở Bỉ để điều trị hồi đầu tháng 12/2019.
Sau khi trở về Oman, tin đồn về tình trạng bệnh tật tái phát của ông đã lan truyền. Trước đó, hôm 7/1, để xoa dịu những lo lắng về sức khỏe của quốc vương, tòa án Hoàng gia Oman thông báo ông Qaboos “đang ở trong tình trạng ổn định và điều trị theo chỉ định của bác sĩ”.
Quốc vương Qaboos từng trải qua 8 tháng điều trị ở Đức, sau đó về nước năm 2015 để tiếp tục chữa trị. Hiện chưa rõ căn bệnh gì khiến quốc vương qua đời, nhưng một báo cáo của Viện Chính sách Cận Đông công bố hôm 7/1 cho biết ông mắc bệnh tiểu đường và có tiền sử ung thư trực tràng.
Hiến pháp Oman quy định sultan phải là một thành viên của gia đình hoàng gia, theo đạo Hồi, trưởng thành và có bố mẹ ruột là người theo đạo Hồi mang quốc tịch Oman. Theo các chuyên gia, hơn 80 người đàn ông đáp ứng các tiêu chí trên nhưng cái tên “nặng ký” nhất là Asad bin Tariq.
Ông Tariq, 65 tuổi, được bổ nhiệm làm phó thủ tướng phụ trách các vấn đề quan hệ quốc tế và hợp tác vào năm 2017. Động thái được xem là là thông điệp rõ ràng để nâng đỡ người anh em họ của quốc vương.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng không dễ để tìm được người kế vị ngôi vua có thể đảm nhận luôn vai trò của một ngoại trưởng, bộ trưởng tài chính, tổng tư lệnh quân sự như Quốc vương Qaboos.
Oman được biết đến như trung tâm hòa giải của Vùng Vịnh. Có lẽ quốc gia này cần xem xem liệu người cai trị kế tiếp sẽ có cách tiếp cận ôn hòa với khu vực như “chảo lửa sôi sục” này hay không.
Trong 50 năm trị vì của Quốc vương Qaboos bin Said, Oman từ một mảnh đất theo đuổi con đường khép cửa đã tái hòa nhập với thế giới hiện đại và trở thành quốc gia ổn định nhất thế giới Arab.
Ông cũng góp phần vào việc ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran với các nước P5+1, đồng thời, duy trì tư cách thành viên trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh do Saudi dẫn đầu.
Bất cứ sự thay đổi nào trong bộ máy lãnh đạo ở vương quốc này đều tác động không nhỏ đến chính sách Trung Đông của Mỹ và các nước phương Tây khác.