Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Quốc hội vẫn phản ứng chậm về Biển Đông'

Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, hoạt động ngoại giao thiết thực với người dân làm sao đi biển không bị ai đàn áp, làm sao biển Đông không gợn sóng,

Trong lĩnh vực này, “người dân vẫn chưa hài lòng. Nhiều phản ứng của Quốc hội tôi cho là chậm”, ông Quốc nhận xét.

Theo ông Quốc, “tiếng nói Quốc hội rất quan trọng, không chỉ thể hiện ý chí quyết tâm mà còn mong mốn hòa bình. Quốc hội cần quan tâm hơn nữa, có tiếng nói kịp thời phản ứng hơn nữa”.

Quoc hoi van phan ung cham ve Bien Dong anh 1
ĐBQH Dương Trung Quốc phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Ông Dương Trung Quốc cũng băn khoăn, “3 nhiệm kỳ tôi chứng kiến, chúng ta đã 2 lần tiếp nguyên thủ quốc gia tới thăm, nhưng lại chỉ đến từ 1 nước là Trung Quốc. Chúng ta đón ông Hồ Cẩm Đào, ông Tập Cận Bình việc đó là rất đáng trân trọng. Nhưng rõ ràng người dân băn khoăn, tại sao không có những nguyên thủ khác tới thăm Quốc hội? Trong hoàn cảnh chúng ta hiện nay, càng cần suy nghĩ. Ai là người mời?”

Đại biểu Quốc nhìn nhận, diễn dàn Quốc hội là diễn đàn bày tỏ quan điểm chứ không chỉ là diễn đàn xã giao.

“Người dân hỏi tôi khi Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu ý kiến, các đại biểu Quốc hội vỗ tay là đồng thuận ý kiến hay vỗ tay vì xã giao? Tôi tin mỗi đại biểu đều tự đặt cho mình câu hỏi này” – ông Quốc chia sẻ.

“Cần có chuẩn mực, quy định về việc mời nguyên thủ quốc gia tới thăm Quốc hội” – đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Một nghị quyết về Biển Đông cũng là "món nợ" dân mà nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra trong thảo luận tổ. Đại biểu Võ Thị Dung trong hai phiên thảo luận tổ ngày 23 và 24/3 đều nhắc lại nhu cầu về dự báo chiến lược về Biển Đông.

Theo bà, sau những biến động trên Biển Đông thời gian qua, Chính phủ "cần phải nói rõ nguy cơ bị xâm phạm chủ quyền sẽ ảnh hưởng thế nào đến đất nước trong 5 năm tới".

Thiếu dự báo, Việt Nam sẽ không có được chiến lược phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển, gắn chặt với bảo vệ chủ quyền quốc gia. Việc dự báo cụ thể sẽ giúp Việt Nam chủ động trong đường lối đối ngoại cũng như điều hành để phát triển đất nước. 

Dân tâm tư lắm

Trong khi đó, tại phiên họp Chính phủ cuối cùng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sáng 26/3, người đứng đầu Chính phủ cũng tâm tư trước câu chuyện Biển Đông. 

Quay sang Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ ngành liên quan chuẩn bị để báo cáo Bộ Chính trị tình hình trên Biển Đông, 

Theo Thủ tướng, "dân tâm tư lắm. Đối sách của mình thế nào? Công tác thông tin truyền thông ra sao để dân thấy Đảng, Nhà nước quan tâm, có đối sách phù hợp".

"Có người đặt câu hỏi, thế giới biểu tình vì Trung Quốc đưa tên lửa ra Hoàng Sa, mà sao ta êm ru. Thực ra ta có làm, triển khai công việc, tính toán các cách. Các bộ cần báo cáo rõ thực trạng hiện nay ra sao, chiến lược, đối sách để trong nội bộ, ngoài nhân dân đồng thuận cao để phát triển", Thủ tướng nói.

Theo ông Quốc, nhiều đại biều Quốc hội đã phản ánh tình trạng tài liệu đến chậm với ĐBQH. Đó là lãng phí khi chúng ta đầu tư không ít cho hạ tầng truyền thông, nội dung cho mạng Quốc hội và trang bị cá nhân cho ĐBQH mà hầu như chúng ta vẫn làm như truyền thống.

“Mỗi lần Quốc hội họp, chúng ta lại nhận được biết bao nhiêu cân giấy. Tất nhiên thao tác như vậy thì chậm thôi. Đó là sự lãng phí rất lớn” – đại biểu Quốc kết thúc phần phát biểu.


Công Khanh - Phương Loan

Bạn có thể quan tâm