2.895 đại biểu quốc hội Trung Quốc có mặt tại phiên họp ngày 11/3 đều tán thành đề xuất cải tổ bầu cử Hong Kong. Không đại biểu nào bỏ phiếu chống. Chỉ có một đại biểu vắng mặt.
Theo Bloomberg, nghị quyết vừa được thông qua sẽ thay đổi quy mô và thành phần cơ quan chọn ra đặc khu trưởng Hong Kong. Cơ quan này còn có vai trò đề cử ứng viên tranh cử vào Hội đồng Lập pháp Hong Kong.
Nghị quyết đồng thời đảm bảo chỉ "người yêu nước" được tranh cử vào cơ quan công quyền Hong Kong. South China Morning Post nhận định đây là bước thay đổi lớn nhất đối với hệ thống bầu cử của đặc khu, kể từ khi được Anh trao trả cho Trung Quốc đại lục vào năm 1997.
Sau khi được bỏ phiếu tán thành, dự thảo nghị quyết sẽ được chuyển cho ủy ban thường vụ quốc hội để hoàn chỉnh chi tiết quá trình cải cách bầu cử ở Hong Kong.
Ông Tập Cận Bình (trung tâm) và các đại biểu quốc hội Trung Quốc tại buổi họp ngày 8/3. Ảnh: Getty. |
Dự thảo nghị quyết mới được thông báo trình quốc hội vào tuần qua. Toàn văn nghị quyết được giữ kín đến ngày biểu quyết tại quốc hội Trung Quốc.
Theo Tân Hoa xã, với hệ thống bầu cử mới, thành viên lưỡng hội Trung Quốc, gồm Nhân đại (quốc hội) và Chính Hiệp (tương tự mặt trận tổ quốc), sẽ tham gia vào Ủy ban Bầu cử Hong Kong.
Ủy ban Bầu cử Hong Kong sẽ chọn tân đặc khu trưởng trong năm 2022. Với nghị quyết mới, ủy ban sẽ bổ sung 300 ủy viên thân Bắc Kinh, nâng tổng số thành viên lên 1.500.
Hội đồng Lập pháp Hong Kong tăng số thành viên từ 70 lên 90 nghị viên. Thành viên sẽ được bầu qua Ủy ban Bầu cử, khu vực bầu cử và phiếu bầu trực tiếp.
Bên cạnh đó, một ủy ban sàng lọc sẽ được thành lập để đánh giá ứng viên tiềm năng cho Ủy ban Bầu cử và Hội đồng Lập pháp Hong Kong. Yêu cầu từ chính quyền Trung Quốc đại lục là chỉ những người "yêu nước" được đề cử.
Để nghị quyết chính thức có hiệu lực, ủy ban thường vụ quốc hội sẽ cần điều chỉnh phụ lục trong Luật Cơ bản Hong Kong - văn bản có vai trò như hiến pháp thu nhỏ cho đặc khu này.