Đám đông có mặt bên ngoài tòa án ở quận Tây Cửu Long từ sáng 1/3, hô vang khẩu hiệu "Quang phục Hong Kong, cách mạng thời đại!". Họ đồng thời đem theo biểu ngữ yêu cầu trả tự do cho các nhà hoạt động đối lập bị bắt giữ vào ngày 28/2. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất ở Hong Kong trong nhiều tháng qua, CNN nhận định.
Một lượng lớn cảnh sát đã có mặt ở phía ngoài tòa án để giải tán đám đông, cảnh báo việc tụ tập của người biểu tình có thể vi phạm luật an ninh quốc gia. Đám đông sau đó đã rời đi một cách ôn hòa vào buổi tối (giờ địa phương).
Các chỗ ngồi trong phòng xử án đều được lấp đầy. Thành phần tham dự chủ yếu là những người mặc đồ đen ủng hộ phe đối lập.
Người Hong Kong xuống đường biểu tình kêu gọi trả tự do cho 47 nhà hoạt động phe đối lập bị bắt giữ vào ngày 28/2. Ảnh: Reuters. |
Trong phiên tòa, các công tố viên lập luận rằng 47 bị cáo có liên quan đến một "âm mưu lớn và được tổ chức bài bản nhằm lật đổ chính quyền Hong Kong" bằng cách tổ chức và tham gia một cuộc bầu cử sơ bộ không chính thức vào tháng 7/2020.
Cuộc bầu cử lập pháp ở Hong Kong dự kiến được tổ chức vào tháng 9/2020 nhưng sau đó bị hoãn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
47 nhà hoạt động nói trên lập có độ tuổi trải dài từ 23 đến 64, bao gồm 39 nam và 8 nữ. Hai trong số này là các tiếng nói nổi bật của phe đối lập: Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) và giáo sư luật Benny Tai (Đới Diệu Đình).
Trước đó, vào ngày 28/2, Hong Kong đã mở đợt truy quét lớn nhất với phe đối lập và bắt giữ toàn bộ các nhà hoạt động nổi bật của phe này, theo Washington Post.
Các nhà hoạt động nói trên có thể đối mặt với mức án chung thân nếu bị chứng minh có tội.
Những người bị bắt hôm 28/2 nằm trong số hơn 50 cư dân Hong Kong bị giam giữ từ tháng 1 theo luật an ninh mới ban hành bởi chính quyền Bắc Kinh. Những người này bị buộc tội chống phá nhà nước vì đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu sơ bộ vào tháng 7/2020 trước cuộc bầu cử cơ quan lập pháp.
Tuần trước, chính quyền Hong Kong, sau tuyên bố từ Bắc Kinh, đã thắt chặt hơn nữa luật bầu cử để đảm bảo chỉ những "người yêu nước" được phép tranh cử.