Chiều 16/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại các cơ quan Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã chủ trì phiên họp thứ hai.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH. |
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tháng 2/2025, sau khi Ban Chấp hành Trung ương họp, Quốc hội sẽ tiến hành Kỳ họp bất thường, để thảo luận, quyết định về cơ cấu tổ chức bộ máy các cơ quan Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan của Chính phủ sau khi sắp xếp.
Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương...; và cho ý kiến, quyết định một số vấn đề quan trọng khác liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Quá trình sắp xếp các cơ quan ở Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn quán triệt nguyên tắc: Việc tinh gọn tổ chức bộ máy lần này phải thật sự là một cuộc cách mạng, việc sắp xếp phải bảo đảm bộ máy thật sự “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, không sắp xếp cơ học và đúng phương châm Trung ương làm gương đi đầu và địa phương hưởng ứng.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị sớm hoàn thiện báo cáo trình Đảng đoàn Quốc hội cho ý kiến, để kịp thời báo cáo Bộ Chính trị đúng thời hạn, trước ngày 31/12.
Tại Phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Hải trình trình bày dự thảo tờ trình về việc sắp xếp tinh gọn bộ máy các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội. Sau khi sáp nhập, tinh gọn, dự kiến số đầu mối các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giảm gần 36%; các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội sẽ giảm trên 40%.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: QH. |
Một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, quán triệt rõ đây là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết liên quan đến tổ chức bộ máy và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tổ chức hợp lý các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính...
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Ban Công tác đại biểu chủ trì phối hợp với các ủy ban, các cơ quan liên quan tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm việc điều chuyển nhiệm vụ một cách phù hợp, đúng với tinh thần các Nghị quyết của Đảng và bảo đảm các cơ quan sau khi sắp xếp, tinh gọn có chức năng, nhiệm vụ phù hợp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Việc sắp xếp các ủy ban phải bảo đảm phù hợp với các quy định của Hiến pháp, bao quát hết các chức năng, nhiệm vụ đã được Hiến pháp giao cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc phân định lĩnh vực phụ trách của mỗi ủy ban sau sắp xếp phải bảo đảm khoa học, hợp lý, cân bằng khối lượng công việc, tránh có ủy ban quá nhiều việc, có uỷ ban lại quá ít việc.
Cùng với đó, việc điều chuyển chức năng, nhiệm vụ giữa các ủy ban phải tương ứng với việc điều chuyển nhân sự đang phụ trách, thực hiện các nhiệm vụ đó để bảo đảm sau sắp xếp các cơ quan bắt tay ngay vào các công việc được giao, không được để công việc gián đoạn hay có khoảng trống.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.