Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Quốc hội cần có Nghị quyết về tình hình biển Đông'

Vài giờ trước phiên họp kín của Quốc hội về tình hình biển Đông, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, Quốc hội cần có nghị quyết riêng để tác động tới cuộc đấu tranh ngoại giao.

Trước giờ khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII sáng 20/5, bên hành lang kỳ họp, đại biểu Dương Trung Quốc đã trả lời báo chí.

- Cảm xúc của ông lúc này như thế nào khi bước vào một kỳ họp nóng với nhiều diễn biến phức tạp ngoài biển Đông?

- Đây là kỳ họp Quốc hội nên tôi sẽ được găp nhiều người có trách nhiệm. Những nội dung trong kỳ họp này sẽ đem lại cho mình nhận thức đầy đủ và cũng là diễn đàn để mình bày tỏ những tâm tư nguyện vọng nhân dân gửi gắm và cả những điều mình cần nói.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Hưng
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Hưng

- Chiều nay Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông và cùng thảo luận về giải pháp cho vấn đề này. Ông nghĩ thế nào về đề nghị Quốc hội nên ra một Nghị quyết riêng về tình hình biển Đông?

- Cá nhân tôi rất là đồng tình với việc Quốc hội ra Nghị quyết riêng. Quốc hội phát biểu ý kiến của mình, vừa với chức năng là tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân, vừa với chức năng là cơ quan giám sát tối cao. Tình hình càng phức tạp bao nhiêu thì sự giám sát phải càng chặt chẽ bấy nhiêu. Hơn nữa, tôi nghĩ là Nghị quyết này còn có tác động tới cuộc đấu tranh ngoại giao nữa.

Tiếng nói ngoại giao nhân dân bao giờ cũng có trọng lượng. Kể cả chúng ta nói tiếng nói hữu nghị với Trung Quốc. Chuyện đó ta đã có kinh nghiệm trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây và không bao giờ được quên mặt trận ngoại giao nhân dân. Tiếng nói của Quốc hội rất quan trọng.

- Vậy theo ý kiến của ông, lời lẽ trong Nghị quyết hoặc tuyên bố đó sẽ như thế nào?

- Tôi nghĩ là lại “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Nghĩa là cũng như từ trước tới nay, chúng ta phải quay lại phương châm hòa hiếu, hòa bình. Thứ hai là không để xâm hại tới lợi ích tối thượng của quốc gia. Và thứ ba, đương nhiên trong thời đại ngày nay chúng ta phải nói đến luật pháp quốc tế. Rõ ràng trong sự kiện này chúng ta có lẽ phải.

- Hiện, điều nào làm ông băn khoăn nhất?

- Điều tôi băn khoăn là liệu chúng ta có chủ động không hay là chúng ta vẫn lại ứng phó nhiều hơn. Ví dụ như thời gian từ 1 - 8/5 chúng ta có nắm được vấn đề hay không, có chủ động được mọi hành động hay không? Chuyện đó rất khó nói vì nó chính là sự nhạy cảm chính trị. 

Thứ hai là vì sao lại để xảy ra tình trạng quá khích bột phát như vừa qua ở một số địa phương. Sau hành vi bột phát này là cái gì thì phải phân tích cho kỹ. Đương nhiên cũng có những người dân chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, sự hiểu biết về luật pháp. Ngoài ra, trong những hành vi vừa qua, chúng ta lại thấy vấn đề nổi lên là chúng ta chưa có Luật Biểu tình mặc dù đây là vấn đề đã được chúng ta đặt ra từ lâu. 

Chúng ta phải chủ động trang bị cho người dân cả ý thức và kỹ năng để thể hiện ý thức. Cái đó theo tôi rất quan trọng, cái đó chính là nhạy cảm chính trị. Chúng ta có một bộ máy không nhỏ bảo vệ trị an, một bộ máy đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội mà tại sao không biết tập hợp lực lượng, đội ngũ một cách đúng đắn, bài bản và kỷ luật, tập trung lòng yêu nước của nhân dân về một hướng?

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng trả lời báo chí về tình trạng căng thẳng trên biển Đông liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981:

- Việt Nam đã hết sức kiên nhẫn, kiềm chế nhưng Trung Quốc mỗi ngày lại điều thêm nhiều tàu, máy bay ra bảo vệ giàn khoan hạ đặt trái phép. Nếu họ cứ lấn tới thì chúng ta phải làm gì?

- Chúng ta phải vừa kiên quyết vừa kiên nhẫn, nhưng không để mắc mưu của họ. Nếu chúng ta dấn tới câu chuyện sẽ càng nguy hiểm, căng thẳng hơn rất nhiều. Vì vậy chúng ta phải tỉnh táo, nhìn nhận sâu sắc không để tình trạng leo thang hơn mà phải để hạ nhiệt xuống, sau đó hai bên ngồi lại đàm phán với nhau.

Trước kia chúng ta đàm phán biên giới trên bộ cũng rất khó khăn, hết ngày này sang ngày khác, thậm chí tranh luận rất kinh khủng. Chúng ta không lùi bước, vẫn kiên quyết nhưng cuối cùng phải tìm ra điểm tương đồng trong quan hệ quốc tế, cũng như quan hệ ASEAN. Điểm nào đồng nhất quan điểm thì cùng giải quyết. Xu hướng đó theo tôi là tất yếu.

- Theo ông, sức chịu đựng của Việt Nam kéo dài đến khi nào? 

- Chịu đựng là một cách, chúng ta yêu chuộng hòa bình, con người Việt Nam nhân đạo, hiền hòa. Trước tình huống đó phải có chữ “Nhẫn” bình tĩnh xử lý, kiên trì chịu đựng. Trong chữ nhẫn có hình con dao gí vào trái tim của mình, tức khi đó anh ở thế yếu. Nếu vung tay lên dao sẽ đâm vào tim. Chữ nhẫn ông cha chúng ta thuộc và hiểu lắm. Dù thắng rồi nhưng vẫn muốn hòa hiếu với phía Trung Quốc. Tất nhiên bây giờ họ không thể áp đặt, bắt nạt chúng ta mãi được. Bây giờ phải có phương cách ứng xử mới, như Bác Hồ đã nói lấy “bất biến ứng vạn biến” - bất biến là bản chất và nội dung, còn ứng xử là vạn biến. Đó là lòng chịu đựng, kiên nhẫn. 

- Nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội nên ban hành Nghị quyết riêng về biển Đông. Quan điểm của ông ra sao? 

- Tôi cho rằng nên có Nghị quyết, trong đó tỏ rõ Quốc hội hoan nghênh nhân dân ta đã biểu thị lòng yêu nước cao cả, sẵn sàng vì Tổ quốc hiến dâng. Đặc biệt, biểu dương các chiến sĩ, ngư dân đang làm việc trên tiền tuyến. Thứ hai, ủng hộ lãnh đạo xử sự như vậy hợp lý, hoan nghênh ngăn chặn kích động; Tỏ thái độ kiên quyết bảo vệ chủ quyền Tổ quốc; Đánh tín hiệu với nhân dân thế giới rằng nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình muốn làm bạn với các nước…

Nguyễn Hưng ghi

Bạn có thể quan tâm