Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Quốc gia thừa dầu mỏ nhưng thiếu nước

Là quốc gia có tài nguyên nước hạn chế, Qatar đã dành nhiều nguồn lực cho các dự án nước nhân tạo để đảm bảo nhu cầu cho đất nước, đặc biệt khi tổ chức sự kiện lớn như World Cup.

san van dong qatar anh 1

Để giữ bề mặt sân cỏ trong tình trạng tươi tốt cho World Cup, các nhân viên đã phải dùng đến 10.000 lít nước mỗi ngày tại các sân vận động và sân tập của đội tuyển.

Lượng nước tiêu thụ khổng lồ này làm nổi bật những thách thức mà chủ nhà World Cup phải đối mặt khi tổ chức các sự kiện thể thao lớn, trong bối cảnh đây là nguồn tài nguyên khan hiếm tại Qatar.

Nguồn nước khan hiếm

Con số 10.000 lít nước mỗi ngày đã có thể thành 50.000 lít nếu giải đấu được tổ chức vào mùa hè như thường lệ.

Các nhân viên tại sân vận động nói việc chuẩn bị cho các khu vực thi đấu ở Qatar là "một mức độ thử thách khác" nếu so với các điều kiện ở những quốc gia chủ nhà trước đây.

Trong khi nguồn nước "tái chế" đã được sử dụng trên khu cỏ dự trữ khẩn cấp rộng 425.000 m2 (tương đương 40 sân bóng đá) ở phía Bắc Doha, nước dùng cho các trận đấu và sân tập lại đến từ nguồn nhân tạo, thông qua quá trình khử muối, theo BBC.

“Nếu chỉ dựa vào nguồn nước tự nhiên, nó chỉ cung cấp đủ cho 14.000 người sống ở Qatar”, Radhouan Ben-Hamadou, phó giáo sư khoa học biển tại Đại học Qatar, nói. "Con số ấy thậm chí không lấp đầy một phần tư sân vận động World Cup", nếu so sánh với sân Lusail, nơi diễn ra trận chung kết, với sức chứa gần 89.000 chỗ ngồi.

Cách Qatar đảm bảo nguồn nước

Tham vọng nâng cao hình ảnh của Qatar với việc tổ chức nhiều sự kiện lớn cũng đi kèm với thách thức về việc quản lý tài nguyên.

Có khoảng 3 triệu người sống ở Qatar, và sự thiếu hụt nguồn nước khiến chính phủ nước này phải tìm nguồn bổ sung ở nơi khác. Qatar không có sông và có lượng mưa trung bình chưa đến 100 mm mỗi năm.

san van dong qatar anh 2

Mặt cỏ tại sân vận động và sân tập cho World Cup cần được tưới mỗi ngày và điều này cần tới lượng nước không nhỏ ở Qatar. Ảnh: Reuters.

“Lượng lớn nước đến từ quá trình khử muối, và gần như 100% nước đó được dùng cho sinh hoạt cá nhân”, tiến sĩ Will Le Quesne, Giám đốc chương trình Trung Đông của Trung tâm Khoa học Môi trường, Nghề cá và Nuôi trồng Thủy sản Vương quốc Anh, cho biết.

Với quá trình khử muối, Qatar sẽ lấy nước từ biển, loại bỏ muối cùng các tạp chất khác, để trở thành nước sinh hoạt.

Quốc gia Trung Đông đã tạo ra nước theo cách này trong nhiều năm qua, nhưng họ sẽ cần sản xuất nhiều hơn nữa, khi có kế hoạch tổ chức các sự kiện quy mô lớn tương tự World Cup.

Các ước tính cho thấy đến năm 2050, Qatar có thể đạt công suất khử muối gấp 4 lần hiện nay, với 80 tỷ lít/ngày.

Ngoài ra, quá trình sản xuất dầu tại Qatar cũng tạo ra nước. Theo AS, cứ sản xuất một thùng dầu mới thì sẽ cho được 3-4 thùng nước.

Thách thức từ cam kết khí hậu

Nhưng dù với nguồn nước biển vô tận cùng tài chính từ dự trữ khí tự nhiên, một nhược điểm để khử muối ở quy mô như vậy là nó tiêu tốn nhiều năng lượng.

"99,9% tổng năng lượng được sử dụng để khử muối trên khắp vùng Vịnh đến từ nhiên liệu hydrocarbon rẻ", tiến sĩ Le Quesne nói, trong bối cảnh dầu hay khí đốt vốn gây ô nhiễm lớn với môi trường.

san van dong qatar anh 3

Các vòi phun nước tưới sân Ahmad bin Ali trước trận Argentina - Australia tại vòng 16 đội. Ảnh: Reuters.

Bản thân chủ nhà World Cup 2022 cũng đã đặt ra các mục tiêu về môi trường, như giảm khí thải nhà kính 25% vào năm 2030. Ngoài ra, ban tổ chức World Cup 2022 cũng khẳng định đây là giải đấu sẽ trung hòa carbon.

Ngoài ra, năng lượng Mặt Trời, hay việc đưa các nhà máy khử muối mới hơn, tiết kiệm năng lượng hơn vào hoạt động, là cách Qatar kỳ vọng sẽ làm dịu cơn khát ngày càng tăng, khi nước được coi là vấn đề an ninh quốc gia ở đây.

Bên cạnh đó, Qatar đã phải trải qua tình trạng thiếu lương thực từ các lệnh cấm vận kinh tế từ những quốc láng giềng do căng thẳng chính trị. Do đó, chính quyền đã và đang mở rộng hoạt động nông nghiệp trên những vùng đất khô cằn.

Với Qatar, sản xuất lương thực không phải vì mục tiêu xuất khẩu, mà để đảm bảo an ninh lương thực trong trường hợp khẩn cấp.

"Nông nghiệp sử dụng 1/3 nguồn nước ở Qatar, trong khi nó chỉ đóng góp gần 0,1% vào GDP của đất nước", tiến sĩ Ben-Hamadou nói.

Người được chú ý hơn cả Messi, Ronaldo ở World Cup Qatar Một nhân viên chỉ đường đến ga điện ngầm ở Qatar đã trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội với phong cách chỉ dẫn thú vị và sự tử tế với người hâm mộ.

Lời tiên tri của Pele đã sai nhưng World Cup có một cú 'nhảy vọt'

Sau nhiều thập kỷ thất vọng trên trường quốc tế, vận mệnh bóng đá châu Phi có thể thay đổi sau kỳ World Cup Qatar 2022.

Cổ động viên tại Qatar đổ xô đi xem kỷ vật World Cup

Một bộ sưu tập các kỷ vật World Cup được trưng bày bởi hai anh em người Qatar đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của các cổ động viên tại Doha.

Trần Hoàng

Bạn có thể quan tâm