Sau lượt trận đầu tiên tại World Cup 2022, người hâm mộ bóng đá châu Phi nhận thấy một kịch bản quen thuộc. Năm trận đấu, thua ba, hòa hai và chỉ có Ghana ghi bàn trong trận thua Bồ Đào Nha.
Một giải đấu đáng thất vọng khác dường như đang “rình rập” châu Phi - châu lục mà huyền thoại bóng đá vĩ đại Pele từng tuyên bố sẽ “vô địch World Cup trước năm 2000”. Rõ ràng cho đến nay, dự đoán của Pele vẫn chưa trở thành hiện thực, theo ESPN.
Thất bại của tuyển Morocco trước đội Pháp trong trận bán kết đêm 14/12 (theo giờ địa phương) càng củng cố thêm thành tích "tiên tri ngược chiều" của "vua bóng đá". Tuy nhiên, kỳ tích của Morocco ở World Cup lần này đã vượt lên chuyện thắng thua thường tình của làng bóng đá thế giới. Nó mở ra một triển vọng khác.
Lần đầu tiên trong lịch sử, các đội châu Phi đều có chiến thắng trong vòng bảng. Hai đội vượt qua vòng bảng, và Morocco tạo nên kỳ tích khi trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên bước chân vào vòng bán kết.
Chơi trong “sân nhà”
Tại một giải đấu dường như ngày càng bị chi phối bởi các tập đoàn và giới chính trị toàn cầu, các quốc gia châu Phi đã cống hiến đam mê và mang lại sự tự hào cho đất nước của họ.
Sự cuồng nhiệt và màu sắc đáng kinh ngạc của nhóm cổ động viên 12eme Gainde nổi tiếng của Senegal luôn thu hút giới truyền thông, trong khi đội cổ động viên từ Ghana và Cameroon luôn khuấy động sân cỏ.
Nhưng họ cũng không thể sánh bằng những người hâm mộ Morocco và Tunisia. Mọi pha cản phá đều nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt. Ngược lại, mỗi lần đối thủ chạm bóng đều bị áp đảo bởi tiếng la hét và huýt sáo không ngớt.
Điều này sẽ không thể xảy ra nếu World Cup không được tổ chức ở Qatar.
Người hâm mộ Morocco ăn mừng trong trận đấu với Canada tại Sân vận động Al Thumama ở Doha, Qatar. Ảnh: AP. |
Doha từ lâu không chỉ là trung tâm du lịch của châu Á mà còn cả châu Phi. Tại kỳ World Cup năm nay, việc người hâm mộ di chuyển đến Doha thậm chí còn dễ dàng hơn so với năm 2010 khi giải đấu diễn ra trên đất châu Phi. Đây không chỉ là kỳ World Cup hợp túi tiền nhất cho người châu Phi mà còn dễ tiếp cận nhất.
Francis Nkwain, chuyên gia bóng đá và truyền thông từ Cameroon, cho biết Qatar đã hỗ trợ người hâm mộ từ châu Phi xin thị thực dễ dàng hơn bất kỳ nước chủ nhà nào.
“Những gì chúng tôi (người châu Phi) phải trải qua để đến các nơi khác trên thế giới chưa được thể hiện đầy đủ. (Xin thị thực) là một thách thức lớn khi World Cup diễn ra ở Nga và Brazil”, ông nói.
Các đội tuyển không chỉ nhận được sử ủng hộ từ người dân trong nước mà còn cả châu Phi và thế giới Arab. HLV trưởng tuyển Morocco Walid Regragui cũng công nhận điều này.
“Trước đây, chỉ có những người Morocco ủng hộ chúng tôi”, ông nói trước trận thắng Tây Ban Nha. “Bây giờ là cả người châu Phi và người Arab”.
Không còn “thợ ống nước”
Trong nhiều thập kỷ, châu Phi đã tạo ra một số cầu thủ giỏi nhất để làm nên những trận đấu đẹp mắt, nhưng chất lượng huấn luyện viên không được đảm bảo.
Lục địa đen thiếu cơ sở hạ tầng đào tạo HLV, họ cũng không có cơ hội dẫn dắt đội bóng ở cấp độ cao nhất. Điều đó có nghĩa các quốc gia châu Phi thường được dẫn dắt bởi các HLV châu Âu.
Trong giới bóng đá châu Phi, những huấn luyện viên này thường bị mỉa mai là “thợ sửa ống nước” vì không hiểu rõ về bóng đá châu lục. Tuy nhiên, xu hướng này đang thay đổi.
HLV Regragui của tuyển Morocco. Ảnh: Reuters. |
HLV người Bỉ Tom Saintfiet nói rằng đó là điều đáng mừng. Đầu năm nay, ông đã huấn luyện đội Gambian lần đầu lọt vào tứ kết tại Cúp các quốc gia châu Phi.
“Lợi thế lớn nhất hiện giờ là các đội châu Phi không chọn những huấn luyện viên tên tuổi đắt giá”, ông Saintfiet nói với CNN. “Tôi nghĩ đó là một sai lầm lớn trong quá khứ khi vào năm 2010, các huấn luyện viên như Lagerbäck và Sven-Göran Eriksson… đã đến châu Phi mà không có bất kỳ kinh nghiệm nào về bóng đá châu Phi”.
Lần đầu tiên trong lịch sử, cả năm quốc gia châu Phi tham dự World Cup đều được huấn luyện bởi các HLV từ quê nhà. Và họ đều đạt được thành công nhất định. Trong đó, thành công lớn nhất thuộc về HLV Regragui - người đi đầu trong cuộc cách mạng huấn luyện ở châu Phi.
Ông đã dẫn dắt CLB tầm trung FUS Rabat giành chức vô địch đầu tiên năm 2014 và giúp CLB Al Duhail chiến thắng Qatar Stars League, trước khi trở về nhà giành cú đúp vô địch với CLB Wydad Casablanca, theo Ghanaweb.
Có lẽ quan trọng hơn, ông Regragui cũng là một trong những HLV đầu tiên được cấp giấy phép huấn luyện chuyên nghiệp của Liên đoàn Bóng đá châu Phi vào đầu năm nay. Trước đó, các huấn luyện viên châu Phi phải đến châu Âu hoặc châu Á để nhận những bằng cấp này.
Tâm lý thay đổi
Trước giải đấu, Samuel Eto’o, chủ tịch Hiệp hội bóng đá Cameroon đã đưa ra một dự đoán khá kỳ lạ rằng cả 5 quốc gia châu Phi sẽ vượt qua vòng bảng và trận chung kết sẽ là cuộc đối đầu giữa Morocco và Cameroon.
Ông Eto’o đã bị chế giễu vì tuyên bố này, nhưng đây cũng là dấu hiệu cho thấy cách nhìn của các quốc gia châu Phi đã thay đổi, rằng họ không chỉ khao khát góp mặt tại giải đấu mà còn muốn cạnh tranh ở vị trí cao nhất.
Trở lại Morocco, khi những cầu thủ như Yassine Bounou, Achraf Hakimi, Hakim Ziyech và HLV Regragui sẽ được vinh danh phần lớn công lao cho màn trình diễn lịch sử của đội tuyển, Liên đoàn bóng đá Hoàng gia Morocco (FMRF) cũng xứng đáng được ghi nhận.
Sau nhiều thập kỷ mờ nhạt, FMRF - với sự hậu thuẫn của Vua Mohammed VI - đã quyết định tiến hành một cuộc đại tu.
Năm 2009, FMRF đã mở học viện bóng đá quốc gia đào tạo các cầu thủ theo tiêu chuẩn quốc tế như Nayef Aguerd và Youssef En-Nesryi, cũng như cố gắng khai thác tài năng từ cộng đồng người Morocco đang sinh sống ở nước ngoài.
Liên đoàn cũng đầu tư vào bóng đá nữ, phát triển bóng đá trong trường học và câu lạc bộ cũng như tổ chức các giải đấu cấp quốc gia.
Khu phức hợp bóng đá Mohamed VI. Ảnh: TelQuel. |
Viên ngọc quý trong nỗ lực đầu tư của Morocco là Khu phức hợp bóng đá Mohamed VI nằm ngay ngoại ô thủ đô Rabat. Khu phức hợp đào tạo bao gồm 4 khách sạn năm sao, 8 sân tiêu chuẩn FIFA và các cơ sở y tế. Khoản đầu tư đó, cùng với một loạt tài năng xuất sắc và HLV giỏi nhất đã đưa Morocco vào bán kết World Cup.
Năm 2026, châu Phi sẽ có ít nhất 9 suất tham dự giải đấu. Nếu các quốc gia muốn tiếp tục tạo nên kỷ lục, tư duy tích cực và nỗ lực đầu tư vào bóng đá phải được duy trì.
Theo CNN, châu Phi vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện nền bóng đá. Song sau nhiều thập kỷ thất vọng trên trường thế giới, World Cup Qatar 2022 có thể là bước ngoặt thay đổi vận mệnh của châu Phi.
“Tôi thực sự tin rằng trong những năm tới, họ có thể có một nhà vô địch thế giới”, ông Saintfiet đồng tình.
Những cuốn sách hay về thể thao
Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...