Nhóm cổ động viên quá khích "Ultras Malaysia" từng khét tiếng với sự hung hăng và bạo lực hướng vào khán giả đối thủ, thậm chí các cổ động viên Việt Nam cũng từng là nạn nhân ở những kỳ AFF Cup trước.
AFF Suzuki Cup 2018 một lần nữa chứng kiến các đội bóng phải e ngại thế nào khi làm khách trên sân Bukit Jalil. Nhưng xét độ nguy hiểm thì Ultras Malaysia chưa phải là đối thủ của 7 hội cổ động viên dưới đây.
Sparta Prague (Cộng hoà Czech)
Là đội bóng nổi tiếng và giàu truyền thống nhất Cộng hòa Czech, Sparta Prague từng khiến cả châu Âu phải khiếp sợ với bộ sưu tập cúp lên đến cả trăm chiếc. Đội bóng này cũng gây khiếp đảm vì sở hữu hội cổ động viên bạo lực nhất thế giới.
Pháo sáng là đặc sản không thể thiếu trong mỗi trận đấu của Sparta Prague. Ảnh: 90min. |
Năm 2016, Ultras Sparta từng gây ra vụ ẩu đả khi đội nhà bị loại ở cúp C1 sau khi thua CLB Hearts của Scotland. Thậm chí, một nhóm 12 người từ hội cổ động viên quá khích này còn tìm và hành hung cựu chủ tịch CLB Hearts khiến ông phải nhập viện với vết rách trên trán và vô số vết thương khác.
Trong số 5.000 cổ động viên của Hearts đến CH Czech để cổ vũ ngày hôm đó, nhiều người bị đánh đập ngẫu nhiên trên đường dù họ không hề làm gì.
Không chỉ ẩu đả với fan đội khác, Ultras Sparta còn thường xuyên bị cáo buộc tấn công các cầu thủ của chính đội nhà nếu họ thi đấu bết bát.
River Plate (Argentina)
Vô địch giải quốc nội 36 lần, là một thế lực mạnh của bóng đá Nam Mỹ, với trụ sở đặt ở thủ đô Buenos Aires của Argentina, câu lạc bộ River Plate có không chỉ có một mà rất nhiều nhóm cổ động viên quá khích.
Fan của đội bóng này nổi tiếng với những vụ bạo loạn trên đường phố, ném pháo sáng vào sân, thậm chí trèo hàng rào và tấn công các cầu thủ đội khách ngay trong trận đấu.
Cổ động viên River Plate cuồng nhiệt và cũng dữ dằn nhất Nam Mỹ. Ảnh: 90min. |
Năm 2007, một vụ ẩu đả đã nổ ra giữa chính những nhóm cổ động viên quá khích chỉ vì tranh giành chỗ ngồi. Cảnh sát thậm chí còn tìm thấy dao và súng của những đối tượng quá khích sau màn hỗn chiến.
Đỉnh điểm vào năm 2011, khi đội bóng này lần đầu tiên bị xuống hạng ở giải vô địch quốc gia Argentina, các cổ động viên đã quá tức giận và lao vào ẩu đả với cảnh sát. Kết quả, 65 người bao gồm cả cảnh sát nhập viện, hàng chục người bị bắt vì hành hung và gây rối.
Đến giờ, 2011 vẫn bị coi là vết nhơ trong lịch sử đội bóng này cũng như bóng đá Argentina.
Millwall (Anh)
Millwall đến từ đảo quốc sương mù nhưng không nhiều người hâm mộ biết đến đội bóng này. Đội bóng đang thi đấu ở giải hạng nhất Anh được biết đến nhiều hơn với đặc sản “Hooligan” của mình.
Các cổ động viên Millwall tự làm xấu mặt mình khi ẩu đả với nhau trên sân Wembley. Ảnh: 90min. |
Nổi tiếng với khẩu hiệu “Không ai thích chúng tôi? Chúng tôi không quan tâm”, những cổ động viên quá khích khiến cho bất cứ đội bóng Anh nào cũng e ngại Millwall dù họ chẳng mạnh.
Các đội bóng khác còn ngán ngẩm Millwall bởi cổ động viên của họ gây gổ đánh nhau với khán giả đối thủ như cơm bữa dù cho đội bóng của họ thắng hay thua.
Năm 2013, các cổ động viên quá khích của đội này thậm chí còn đánh nhau ngay trên sân vận động Wembley, trở thành tâm điểm chế nhạo nhiều năm sau đó.
Galatasaray (Thổ Nhĩ Kỳ)
“Chào mừng đến với địa ngục” - câu chào kinh điển của những cổ động viên quá khích đội bóng này dành cho đối thủ khi họ đến làm khách trên sân Ali Sami Yen, sân nhà cũ của Galatasaray.
cổ động viên Galatasaray quá khích lao vào sân, tấn công nhân viên anh ninh trong trận đấu với Besiktas. Ảnh: 90min. |
Là một trong những đội bóng xuất sắc và giàu truyền thống nhất Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Galatasaray cũng tai tiếng với hàng loạt các vụ ẩu đả gây ra bởi cổ động viên của mình.
Trong trận bán kết cúp UEFA năm 2000 với Leeds United, 2 cổ động viên của Leeds đã bị hooligan đâm chết bằng dao và sau đó là màn ẩu đả giữa cổ động viên Galatasaray với các nhân viên an ninh dẫn đến hàng chục người bị thương và bị bắt.
Sân nhà mới của Galatasaray, Turk Telecom Arena, cũng nhận kỷ lục Guiness là sân vận động ồn ào nhất thế giới.
AS Roma (Italy)
Đội bóng thủ đô nơi sản sinh ra thế hệ vàng các cầu thủ cho bóng đá Italy như Francesco Totti, Danielle De Rossi cũng nổi tiếng với lực lượng cổ động viên dữ dằn nhất nhì châu Âu.
Hàng chục người nhập viện khi fan AS Roma và Manchester United lao vào ẩu đả năm 2007. Ảnh: 90min. |
Trong một lần chạm trán với Manchester United năm 2007, cổ động viên 2 đội đã lao vào đánh nhau sau trận đấu và hậu quả là 11 cổ động viên Quỷ đỏ phải nhập viện.
Bên cạnh đó là những sự thù địch hướng về đội bóng cùng thành phố Lazio, trận derby diễn ra năm 2013 chứng kiến 6 cổ động viên Lazio nhập viện vì bị hành hung bằng dao.
Thậm chí, xe cứu thương cũng bị gạch đá và pháo sáng của cổ động viên quá khích của AS Roma bủa vây.
Wisla Krakow (Ba Lan)
Bóng đá Ba Lan từ lâu đã nổi tiếng với vấn nạn Hooligan, thậm chí thành phố Krakow còn bị gán biệt danh “Thành phố của những con dao”.
Năm 1999, một cổ động viên của CLB Parma đã chết sau khi bị một con dao phi trúng đầu nghi là từ phía cổ động viên của đội bóng thành phố Krakow.
Một góc khán đời nơi cổ động viên Wisla Krakow ngồi chìm trong pháo sáng. Ảnh: 90min. |
Năm 2015, một cuộc đụng độ giữa cổ động viên của 2 đội bóng kình địch ở Ba Lan là Wisla Krakow và MKS Cracovia nổ ra sau trận đấu. Một cổ động viên của Krakow đã chặt đứt cánh tay của cổ động viên đội đối thủ trong lúc hỗn chiến.
Al Masry (Ai Cập)
Ngoài siêu sao Mohamed Salah, bóng đá Ai Cập còn được biết đến với sự bạo lực mà các cổ động viên quá khích CLB Al Masry gây ra.
Cổ động viên Al Masry ăn mừng chiến thắng bằng cách bắn súng chỉ thiên. Ảnh: 90min. |
Cổ động viên quá khích của đội bóng này từng gây ra một cuộc hỗn chiến khiến 74 người chết và hơn 1.000 người khác bị thương sau một trận đấu năm 2012.
Trận đấu giữa Al Masry và Al Ahly kết thúc, các cổ động viên quá khích Al Masry lao tới tấn công cổ động viên đối thủ với súng, dao, kiếm, gạch đá, biến trận đấu trở thành vụ bạo loạn đẫm máu nhất lịch sử bóng đá.
Vụ việc này cho đến giờ vẫn bị coi là một trong những khoảnh khắc kinh hoàng và đen tối nhất của bóng đá thế giới.