Khoảng 9 triệu công dân Mỹ đang sống ở nước ngoài. Nhiều người trong số đó cho rằng việc được tiêm vaccine cũng đáng để họ dấn thân vào hành trình trở về nhiều rủi ro, theo Wall Street Journal.
Dù vậy, dọc theo những chuyến bay trở về quê nhà, vẫn còn những trăn trở về chuyện đúng sai của quyết định này. Quyết định quay về nhà ở Mỹ đồng nghĩa với việc họ chấp nhận bỏ lại sau lưng bè bạn và những người thân quen. Thậm chí có thể họ phải bỏ lại chính người bạn đời chưa được tiếp cận với vaccine hàng tháng nay, chỉ vì trở ngại từ một cuốn sổ nhỏ màu xanh quyền lực - tấm hộ chiếu Mỹ.
"Du lịch vaccine"
"Tôi đã nghe người ta nói với nhau về kiểu du lịch vaccine”, cô Chloe Zeitounian, một người Mỹ sống tại London, Anh vừa trở về Mỹ tháng trước cho biết: "Đó chính là những gì tôi đã làm".
Chloe Zeitounian, một người Mỹ sống tại London vừa trở về Mỹ tháng trước để tiêm vaccine. Ảnh: Wall Street Jornal. |
Trước đây, Anh và Mỹ có tỷ lệ tiêm chủng ngang ngửa nhau, nhưng quá trình triển khai vaccine cho nhóm người trẻ ở Anh gần đây bị chậm lại do tình trạng gián đoạn nguồn cung. Quốc gia này cũng đang phản hồi tích cực với loại vaccine được Đại học Oxford và công ty AstraZeneca phát triển.
Quy định ở đây hạn chế tiêm chủng cho người dưới 30 tuổi vì liên quan đến khả năng gây ra cục máu đông nguy hiểm hiếm gặp. Nhằm tránh quy định đó, cô Zeitounian đã chọn nước Mỹ.
Trước cơ hội nhận được hai mũi tiêm vaccine Moderna khi đang ở Mỹ, cô gọi cho chồng mình ở London để hỏi: "Quay về Mỹ để tiêm vaccine, em làm vậy có đúng không?". Sắp tới, trừ trường hợp Anh mở đợt tiêm chủng, cô có kế hoạch sẽ tiêm lần hai tại Mỹ trong một chuyến công tác vào năm sau.
Cô Chloe Zeitounian và chứng nhận tiêm chủng. Ảnh: WSJ/Betty Laura Zapata. |
Ở Mỹ, tình trạng thiếu hụt vaccine cũng xảy ra trong những ngày đầu. Nguồn cung thiếu hụt, đăng ký tiêm chủng khó khăn và nhiều thắc mắc nảy sinh trong cộng đồng khi đó. Dù vậy, tình hình đã được cải thiện nhanh chóng. Khoảng 38% người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều và 24% người đã hoàn tất việc tiêm chủng tại Mỹ.
Vaccine dành cho tất cả
Cơ hội mở ra với người Mỹ ở nước ngoài khi Tổng thống Biden cho phép mọi công dân Mỹ trưởng thành đều được tiêm vaccine ngừa Covid-19 vào ngày 19/4.
Sau tuyên bố của ông Biden, trên Facebook và Instagram, vô vàn ảnh selfie của người Mỹ trở về quê hương xuất hiện cùng niềm hân hoan vào chương trình tiêm chủng. Viễn cảnh về việc vaccine dành cho tất cả càng được tô điểm thêm trong lòng người Mỹ trên thế giới.
Bà Cheryl Walling cùng chồng và các cháu. Ảnh: WSJ/Betty Laura Zapata. |
"Họ sẽ được tiêm vaccine ở mọi nơi", bà Cheryl Walling, hiện nghỉ hưu ở Tây Ban Nha, nói về những người đồng hương của bà trở về Arizona, "Tôi ghen tỵ với họ, thực sự ghen tỵ".
Vợ chồng bà Walling nghỉ hưu ở thị trấn ven biển Rota một năm trước. Ông bà ở cùng vợ chồng con gái và hai cháu nhỏ. Từ khi đại dịch bùng phát, họ hiếm khi rời khỏi nhà. Bà Walling nói: "Tôi cảm giác như đang trở thành gánh nặng cho con. Không ai muốn cha mẹ ở cùng mình quá lâu cả".
Hiện tại, Tây Ban Nha đã cung cấp một mũi tiêm vaccine cho khoảng 19% dân số nước này.
Tháng trước, khu bà Walling sống chỉ triển khai vaccine cho người trên 70 tuổi. Do đó, ông bà đã quyết định thực hiện một hành trình nhiều rủi ro, trên chuyến bay kéo dài ba giờ đồng hồ trở về Arizona để được tiêm chủng. Họ sẽ khởi hành vào ngày 15/5 hoặc sớm hơn, trừ trường hợp Tây Ban Nha cung cấp vaccine trong khoảng thời gian đó.
"Chúng tôi là nhóm tuổi dễ tổn thương", bà nói, "chúng tôi cần được tiêm phòng".
Những quy định ngặt nghèo
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ không cung cấp dữ liệu về người Mỹ sống ở nước ngoài trở về. Ông nói rằng họ nên tuân thủ các quy định của địa phương và hướng dẫn sức khỏe của Mỹ, như là khuyến cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh (CDC), khi xem xét các giải pháp đi lại, tiêm chủng, lấy mẫu xét nghiệm và tự cách ly.
Nhiều bang quy định khác nhau về đối tượng được tiêm phòng. Thực tế này ít nhiều gây khó cho những người Mỹ trở về và muốn được tiêm ngay sau khi hạ cánh.
Trong khi đó, nhiều quốc gia đã hạn chế các chuyến bay quốc tế. Cụ thể, ở Anh, nước này cấm các chuyến bay đến và chỉ cho phép bay đi với những lý do chính đáng như đi công tác hoặc tham dự đám tang.
Nhiều người Mỹ cũng e ngại việc trở về quê nhà. Việc này có thể làm khả năng nhận hộ chiếu vaccine ở quốc gia sở tại phức tạp hơn. Ở một số nơi, hộ chiếu vaccine là bắt buộc khi đến nhà hàng hay đi du lịch.
Chương trình tiêm chủng đang được triển khai nhanh tại Mỹ. Ảnh: WSJ/Betty Laura Zapata. |
Trong các nhóm của người Mỹ ở nước ngoài trên mạng xã hội, mọi người thậm chí còn kinh doanh dịch vụ tư vấn cho người Mỹ và người địa phương muốn tới Mỹ, hoặc là hướng dẫn đăng ký tiêm chủng.
Ở vùng ngoại ô Tokyo, cô Kat Callahan đã chán ngấy tốc độ tiêm chủng chậm chạp ở Nhật Bản. Tại đây, mới chỉ có 1% dân số được tiêm phòng. Callahancảm thấy thất vọng về điều kiện chăm sóc sức khỏe và cảm giác không thoải mái tăng cao khi phải di chuyển trên các chuyến tàu nối tiếp đông nghịt hành khách để vào trung tâm thành phố.
"Tôi cảm thấy lo ngại khi ra đường", cô cho biết.
Sau khi biết được ở New Mexico, Mỹ - nơi cô có đăng ký cư trú hợp pháp - là một trong những bang đi đầu về tiêm chủng, cô đã sắp xếp một chuyến đi kéo dài 5 tuần đến Albuquerque để được tiêm vaccine. Chuyến đi khởi hành vào cuối tháng này.
"New Mexico có đội ngũ của họ. Ở đó, tôi biết mình không phải là gánh nặng của những người Mỹ như tôi", cô nói, "tôi có tên trong danh sách tiêm chủng".
Đúng và sai
Ở Berlin, Đức anh Lucas Mathis đã đặt một chuyến bay vào tháng sau để về nhà cha mẹ ở Oklahoma, Mỹ. Tại đó, anh lên kế hoạch sẽ hoàn thành việc tiêm vaccine.
Tại Đức, nước này mới chỉ cung cấp một liều vaccine cho 18% dân số, trong khi các biện pháp phong tỏa vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Anh Mathis đang trải qua mỗi ngày với cảm giác lẻ loi và chán chường.
"Nghĩ về việc vào một nhà hàng ngoài trời và ăn bánh Taco với cha mẹ lúc này nghe như thể một chuyến đi đến Disneyland vậy", anh Mathis chia sẻ, "tôi nghĩ rằng mình sẽ không kìm được nước mắt vào ngày đó".
Việc tiêm vaccine ở Oklahoma có thể giải tỏa tâm lý cho anh khi trở về Đức, anh cho biết. Anh không muốn bị mắc bệnh khi vô tình đi đâu đó. Những người bạn của anh đều ủng hộ quyết định này, và vợ anh cũng vậy. Quê hương Canada của vợ anh đã hoàn thành 22% chiến dịch tiêm chủng toàn quốc.
Nhiều người Mỹ bị chỉ trích sau khi được tiêm vaccine. Ảnh: WSJ/Matt Heligman. |
Dù vậy, anh Mathis vẫn không cảm thấy thoải mái. "Tôi cảm thấy thật lạ, vì tôi sẽ là người duy nhất được tiêm phòng trong các bạn của mình", anh cho biết.
Bác sĩ Robert Truog, giám đốc Trung tâm Đạo đức sinh học ở trường Y Đại học Harvard, nói rằng những người nước ngoài không nên cảm thấy khổ sở, vì họ không hề phá vỡ các quy định khi về nhà và được tiêm phòng.
Một phép loại suy ông dẫn ra cho thấy nhiều y tá cũng cảm thấy tội lỗi vì được tiêm vaccine sớm, ngay cả khi họ không phải chăm sóc các bệnh nhân Covid-19 và ra tuyến đầu chống dịch.
"Ai nghĩ như vậy theo tôi là chưa đúng", ông cho biết, "bạn nên tự hào vì bạn tuân thủ pháp luật".
Trên nhóm Facebook dành cho người nước ngoài ở London, anh Matt Heligman chia sẻ trải nghiệm của anh về liều vaccine đầu tiên ở Mỹ tháng trước.
"Nhiều người chỉ trích, thay vì cảm ơn, vì tôi đã làm thế", anh chia sẻ, "vài người còn nghĩ tôi có thể đã chen ngang để được tiêm ngừa".
Công việc của anh, giám đốc điều hành một công ty thiết kế nội thất, đòi hỏi anh phải di chuyển giữa Anh và Mỹ thường xuyên. Như vậy, việc đặt lịch cho cả hai mũi tiêm cũng thuận tiện với chuyến đi công việc. Anh nói rằng được tiêm vaccine giúp bảo vệ những người anh tiếp xúc tốt hơn trong quá trình di chuyển.
"Hai liều mà tôi tiêm thậm chí không cần được cấp".