Ngày 21/6, ông Nguyễn Đức Trung, quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi, cho biết đơn vị đang làm thủ tục trình UBND tỉnh phê duyệt giá khởi điểm đấu giá mỏ cát trên các sông ở địa bàn.
Ông Trung cho rằng việc tổ chức đấu giá mỏ cát phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Khoáng sản, phải qua nhiều khâu: Khảo sát, đo vẽ thực địa, xác định khoảng cách an toàn, đánh giá sơ bộ về trữ lượng, xây dựng giá khởi điểm, tiền đặt trước, trình UBND tỉnh phê duyệt, xây dựng nội quy, quy chế đấu giá, phát hành hồ sơ mời đăng ký đấu giá, đánh giá xét chọn hồ sơ...
Bãi cát sông Trà Khúc, đoạn qua xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Ảnh: M.Hoàng. |
"Dự kiến đến đầu tháng 7, chúng tôi phát hành hồ sơ mời các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia đấu giá nhiều mỏ cát. Việc này vừa giúp tăng nguồn thu cho ngân sách, giảm thiểu thất thoát tài nguyên vừa tránh xảy ra tình trạng doanh nghiệp độc quyền, liên tục tăng giá vụ lợi bán cát gây nhiều khó khăn cho người dân", ông Trung nói.
Theo các doanh nghiệp, họ phải mất từ 6 tháng đến một năm mới hoàn thành thủ tục đấu giá mỏ cát. Các tổ chức, cá nhân đấu giá mỏ cát phải nộp hàng tỷ đồng thuế tài nguyên, chi phí lớn thuê tư vấn lập hồ sơ thiết kế, đánh giá tác động môi trường, thu thập ý kiến cộng đồng...
Thời gian qua, các doanh nghiệp đấu giá mỏ phải điều chỉnh giá bán cát đến 150.000 đến 170.000 đồng/m3 (giá bán tại mỏ) mới có thể bù lỗ cho các khoản chi phí đấu giá. Trong khi đó, những đơn vị khai thác cát trộm bán ra thị trường khoảng 50.000 đồng/m3 (giá bán thấp hơn 3 lần so với doanh nghiệp đấu giá mỏ) gây ra sự cạnh tranh thiếu công bằng.
Về vấn đề này, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nhìn nhận có tình trạng nhiều mỏ cát cấp cho các dự án đầu tư công biến tướng, cung cấp cho các dự án đầu tư công thì một mà bán ra ngoài thì mười.
Tài xế xe tải xếp hàng chờ mua cát ở mỏ Hợp Nghĩa trên sông Trà Khúc, đoạn qua xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi. Ảnh: Minh Hoàng. |
"Doanh nghiệp đấu giá mỏ cát với giá cao nhưng không bán được do các đơn vị khai thác cát lậu bán phá giá. Điều này dẫn đến hệ lụy doanh nghiệp cạnh tranh thiếu lành mạnh, tạo sự bất công về quản lý tài nguyên, ông Minh nói.
Trước phản ánh của Zing về tình trạng "loạn" giá cát xây dựng trên sông Trà Khúc, lãnh đạo Quảng Ngãi khẳng định quan điểm của địa phương là doanh nghiệp không được độc quyền, không tự ý tăng giá bán khi các điểm khai thác cát trái phép bị đóng cửa.
Nếu phát hiện doanh nghiệp bán cát không xuất hóa đơn, khai thác khối lượng không đúng với giấy phép, các sở, ngành có trách nhiệm xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Việc đấu giá mỏ sẽ diễn ra công khai, minh bạch. Khi nhiều doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh.
Hiện ba mỏ cát trên sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) có giấy phép khai thác còn hiệu lực.
Trong đó, năm 2018, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hợp Nghĩa đấu giá mỏ cát ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi, rộng 11 ha với khoảng 18,2 tỷ đồng.
Công ty CP Đầu tư hạ tầng Lũng Lô 251 đấu giá mỏ cát rộng 3 ha ở thôn Phước Lộc, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, với giá 5,7 tỷ đồng.
Công ty TNHH MTV XD Phú Gia Thịnh đấu giá mỏ cát rộng 3,5 ha ở thôn Diên Niên, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, với giá 2,7 tỷ đồng.