Những ngày qua, người dân Quảng Ngãi bàn tán xôn xao về việc một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác trên sông Trà Khúc liên tục điều chỉnh giá bán tăng gần gấp đôi.
Theo các tài xế xe tải, từ cuối tháng 3 đến nay, giá cát ở mỏ Hợp Nghĩa liên tục tăng cao từ 90.000 đồng lên 130.000, 150.000 và 170.000 đồng/m3. Mới đây, giá bán điều chỉnh xuống còn 155.000 đồng/m3 nhưng không có hóa đơn, phiếu thu không ghi tên doanh nghiệp, không đóng dấu.
Phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm
Trước phản ánh của Zing phản ánh tình trạng "loạn" giá cát xây dựng trên sông Trà Khúc, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết quan điểm của địa phương là doanh nghiệp không được độc quyền, tự ý tăng giá bán "bắt chẹt" người dân khi các điểm khai thác cát trái phép bị đóng cửa.
"Nếu phát hiện doanh nghiệp bán cát không xuất hóa đơn, khai thác khối lượng không đúng với giấy phép thì các sở, ngành có trách nhiệm thanh tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật", ông Minh nói.
Hàng trăm xe tải xếp hàng mua cát trên dòng sông Trà ở xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi. Ảnh: Minh Hoàng. |
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho hay địa phương sẽ tổng rà soát, thu hồi lại mỏ cát từng cấp phép phục vụ các dự án đầu tư công. Tất cả các mỏ cát, đất đều phải tổ chức đấu giá tài nguyên, tránh tình trạng doanh nghiệp lạm dụng dự án đầu tư công, khai thác bán chui tài nguyên ra bên ngoài.
Việc đấu giá mỏ sẽ diễn ra công khai, minh bạch. Khi nhiều doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh.
Đề cập giải pháp chấn chỉnh tình trạng "loạn giá" bán cát xây dựng, ông Nguyễn Văn Luyện, Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ngãi, cũng cho rằng UBND tỉnh cần khẩn trương xem xét cho đấu giá mỏ trên các dòng sông.
"Việc này vừa giúp tăng nguồn thu ngân sách, giảm thiểu thất thoát tài nguyên vừa tránh xảy ra tình trạng doanh nghiệp độc quyền, liên tục tăng giá vụ lợi bán cát gây nhiều khó khăn cho người dân", ông Luyện nêu quan điểm.
Doanh nghiệp nói gì về việc tăng giá bán cát?
Nói với Zing, ông Phạm Anh Hùng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hợp Nghĩa, cho biết đến tháng 9/2020, doanh nghiệp đã xuất bán ra thị trường 110.000 m3 cát (tương đương 50% khối lượng mỏ đã đấu giá).
"Thời điểm này giá mỗi m3 cát bán ra thị trường khoảng 70.000 đến 80.000 đồng nhưng chúng tôi phải chấp nhận xuất hóa đơn theo đơn giá 155.000 đồng/m3. Do áp lực thời gian khai thác mỏ, chúng tôi không thể cạnh tranh với những đơn vị khai thác cát trái phép, chấp nhận thua lỗ khoảng 10 tỷ đồng", ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, lâu nay, nạn cát tặc hoành hành, doanh nghiệp chấp nhận hạ giá bán 70.000-90.000 đồng/m3 cát nên phải chịu nhiều thiệt thòi. Giờ đây, các điểm khai thác cát trái phép đóng cửa, doanh nghiệp phải chỉnh lại giá bán cát tăng lên mới có thể bù lỗ các khoản chi phí đấu giá mỏ trong thời gian khai thác còn lại.
Việc cấp phiếu bán cát cho các tài xế xe tải là giấy quản trị nội bộ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp xuất hóa đơn theo hai hình thức, nếu đối tác là doanh nghiệp mua cát thì xuất hóa đơn theo hợp đồng kinh tế, còn bán lẻ cát cho người tiêu dùng thì hàng tháng, doanh nghiệp tổng hợp kê khai khối lượng xuất hóa đơn nôp cho cơ quan thuế.
Xe tải chen chúc chờ mua cát với giá đắt đỏ ở mỏ Hợp Nghĩa. Ảnh: Minh Hoàng. |
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Trung, Phó giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi, cho hay đến nay vẫn chưa có chế tài trong việc khống chế doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát bán vật liệu ra thị trường. Về nguyên tắc, doanh nghiệp bán cát giá cao thì phải có nghĩa vụ nộp thuế phần chênh lệch giữa mua và bán.
"Nếu doanh nghiệp nào không kê khai khối lượng khai thác cát định kỳ hay không đo đạc bản đồ mỏ, sở sẽ áp dụng mức xử phạt tối đa lên đến 300 triệu đồng. Nếu họ sai phạm kéo dài, sở sẽ kiến nghị UBND tỉnh rút giấy phép, buộc đóng cửa mỏ", ông Trung nói.
Đồng tình với quan điểm này, luật sư Lê Cao, Đoàn luật sư Đà Nẵng, cho hay nếu doanh nghiệp xuất bán cát mà không kê khai xuất hóa đơn, chứng từ đầy đủ là vi phạm luật thuế. Cơ quan thuế có thể xử phạt hành chính hoặc đề nghị xử lý hình sự nếu doanh nghiệp trốn thuế kéo dài.