Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quảng Ngãi muốn trở thành trung tâm công nghiệp và lọc dầu

Quy hoạch tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển khá của cả nước, là tỉnh công nghiệp với 2 ngành công nghiệp chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim thép.

Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi xác định phát triển nhanh trong ngắn hạn dựa trên các ngành có sẵn lợi thế; và phân bổ tối đa nguồn lực hỗ trợ phát triển xanh và bền vững về trung, dài hạn. Ảnh: Minh Hoàng.


Tại phiên thẩm định quy hoạch tỉnh Sơn La sáng 16/3 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết tỉnh đã lựa chọn kịch bản phát triển theo hướng hài hòa và bền vững.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 là 7,25-8,25%, trong đó 2021-2025 là 7-8% và 2026-2030 là 7,5-8,5%.

Đặt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá

Quy hoạch tỉnh đưa ra 3 tầm nhìn chiến lược, gồm phát triển dựa trên những ưu thế riêng có của mình; trở thành một điểm đến mới, chuyên sâu trên cung kinh tế trọng điểm miền Trung; và kết hợp Quảng Nam phát huy lợi thế để phát triển thành trung tâm công nghiệp, hậu cần cảng biển, kinh tế biển - đảo, kinh tế rừng xanh, hành lang kinh tế Đông - Tây.

Quy hoạch tỉnh xác định phương hướng phát triển lấy ngắn hạn để xây dựng dài hạn.

Cụ thể, trong ngắn hạn, phát triển nhanh dựa trên cơ sở tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực đang có sẵn lợi thế; trong trung hạn và dài hạn, phân bổ tối đa nguồn lực hỗ trợ phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với xu thế phát triển xanh và bền vững.

quy hoach tinh anh 1

Theo kịch bản phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 là 7,25-8,25%, trong đó 2021-2025 là 7-8% và 2026-2030 là 7,5-8,5%. Ảnh: Minh Hoàng.

Cùng với đó, tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước; là tỉnh công nghiệp với hai ngành công nghiệp chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim thép.

Hướng tới năm 2050, Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tập trung tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung.

4 nhiệm vụ trọng tâm của quy hoạch gồm đổi mới sắp xếp không gian phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch và đảm bảo sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên đất, tài nguyên nước.

4 nhiệm vụ trọng tâm, 4 đột phá

4 đột phá là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với trọng tâm là đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, phân bổ nguồn lực thu được từ công nghiệp hỗ trợ phát triển các lĩnh vực phù hợp hơn với xu thế phát triển của tương lai.

Cùng với đó là đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, tạo động lực cho phát triển; áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo tỉnh, trên cơ sở phân tích thực trạng, nhận diện được các thế mạnh, điểm yếu của từng vùng, khu vực trên địa bàn tỉnh, quy hoạch tỉnh cũng đã định hình không gian, tầm nhìn phát triển thể hiện qua cấu trúc 4 hành lang kinh tế chiến lược, 5 vùng liên huyện kết nối, 6 không gian kinh tế động lực.

Đây được xem là cấu trúc của sự phát triển cân bằng, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực duyên hải, trung du, miền núi và hải đảo của tỉnh Quảng Ngãi.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, cho rằng Quảng Ngãi không nên quá phụ thuộc vào Dung Quất, vào dầu, vào thép.

"Quãng Ngãi thời gian tới phải cơ cấu lại các ngành, không được quá phụ thuộc vào, khu kinh tế Dung Quất, nhà máy lọc dầu hay nhà máy thép", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng lưu ý Quảng Ngãi cần tận dụng hết các mối liên kết kinh tế với Quảng Nam, Bình Định, nhất là với khu kinh tế Chu Lai. Hai khu kinh tế bên cạnh nhau, cần tạo ra mối liên kết chặt chẽ để trở thành một tổ hợp công nghiệp lớn của cả nước.

"Quảng Ngãi có sứ mệnh là trở thành cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung. Sứ mệnh, vai trò, vị trí của Quảng Ngãi phải khác, phải làm sao đóng góp xứng đáng trong vùng động lực này, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã thống nhất thông qua quy hoạch với điều kiện có chỉnh sửa.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Phú Thọ muốn huy động hàng trăm nghìn tỷ vốn đầu tư

Thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phú Thọ đề ra mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Thảo My

Bạn có thể quan tâm