Cầu Văn Lang kết nối Hà Nội với Phú Thọ. Ảnh: Việt Linh. |
Chiều ngày 21/2, Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh.
Theo dự thảo báo cáo quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc và tiến tới đứng trong nhóm 15-20 địa phương phát triển nhất trong cả nước ngay từ năm 2035 trở đi; xây dựng thành phố Việt Trì là thành phố hạt nhân và trở thành đầu tàu lôi kéo các địa phương tiểu vùng Tây Bắc.
Phú Thọ cũng lựa chọn kịch bản tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2025 là 8,5%, giai đoạn 2026-2030 là 12,4%.
Cần huy động 115.000 tỷ đồng/năm trong giai đoạn bứt tốc
Theo phương án này, Phú Thọ cần đẩy mạnh làm mới cơ cấu kinh tế và thu hút vốn đầu tư FDI cũng như thu hút vốn của các tập đoàn kinh tế trong nước.
Theo kịch bản này, số vốn đầu tư cần huy động trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 45.000 tỷ đồng/năm, giai đoạn bứt tốc 2026-2030 là 115.000 tỷ đồng/năm.
Số vốn đầu tư này phù hợp với khả năng huy động trong giai đoạn tới của tỉnh và các nguồn đang được dự kiến huy động.
Trong hai năm 2020 và 2021, dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, nhưng tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vẫn đạt lần lượt 30.700 tỷ đồng và 34.400 tỷ đồng (giá hiện hành).
Phú Thọ có vai trò cửa ngõ, đồng thời là phên dậu phía tây bắc của thủ đô Hà Nội. Quy mô dân số tương đối khá (gần 1,5 triệu người năm 2020 và dự kiến đạt hơn 2,1 triệu người vào năm 2050).
Tiềm năng đất nông - lâm nghiệp nổi bật với 180.000 ha đất lâm nghiệp, 110.000 ha đất nông nghiệp. Những năm gần đây, nền kinh tế có bước phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ và công cuộc phát triển đã thu được những kết quả khả quan, đáng khích lệ.
Năm 2020, Phú Thọ đứng thứ 43 về diện tích tự nhiên, thứ 24 về dân số. Xét theo GRDP/người và năng suất lao động, Phú Thọ đứng thứ 41 trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Tiềm năng để thu hút khách du lịch tương đối lớn nhờ triển vọng thu hút khách du lịch từ Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Vĩnh Phúc tới Phú Thọ.
Một trung tâm, hai trục
Tuy nhiên, các yếu tố nền tảng tạo tiền đề tăng tốc nhanh, bền vững chưa được tạo lập đủ mức.
Công nghệ sử dụng trong sản xuất, kinh doanh còn tương đối thấp. Mô hình tăng trưởng chưa có nhân tố bứt phá, rõ nhất là cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, sản xuất truyền thống còn phổ biến.
Tỷ lệ đô thị hóa còn thấp (19%) và chưa đạt mức trung bình cả nước. Số lượng doanh nghiệp ít, quy mô nhỏ nên chưa tạo tiền đề để bứt tốc.
Thu hút vốn FDI chưa được như mong đợi. Tính lũy kế đến hết năm 2020, Phú Thọ mới thu hút được khoảng 1,2 tỷ USD vốn thực hiện trong khi Thái Nguyên thu hút được khoảng 7,3 tỷ USD và Bắc Giang thu hút được khoảng 3,6 tỷ USD.
Tỷ trọng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài mới chiếm khoảng 9-10% GRDP của tỉnh Phú Thọ.
Để hiện thực hóa các mục tiêu được nêu trong quy hoạch, tỉnh Phú Thọ đã xác định ưu tiên phát triển: một trung tâm (đô thị trung tâm Việt Trì); hai trục (2 hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và trục Đông - Tây); ba đột phá phát triển và bốn nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, trục Đông - Tây gắn với hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai và tuyến QL. 2D hiện hữu. Trên trục này bao gồm 2 trung tâm kinh tế lớn nhất tỉnh là thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ cùng với hệ thống 6 khu công nghiệp (Thụy Vân, Bắc Sơn, Phù Ninh, Phú Hà, Cẩm Khê, Hạ Hòa), khu du lịch (Đền Hùng ở TP. Việt Trì, Đền mẫu Âu Cơ, đầm Ao Châu, Ao Giời - Suối Tiên ở huyện Hạ Hòa).
Trục Bắc - Nam gắn với hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ - Hà Nội (Ba Vì), một phần tuyến QL. 2 (đoạn Thị xã Phú Thọ - Đoan Hùng) và một phần tuyến QL.32 (đoạn từ xã Vạn Xuân đến cầu Trung Hà).
Quy hoạch tỉnh Phú Thọ xác định 3 đột phá cần tập trung thực hiện là cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản trị địa phương; phát triển nguồn nhân lực chuyên môn, kỹ thuật và nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng.
Bốn nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh đưa ra là xây dựng Phú Thọ trở thành trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc ở 4 lĩnh vực: du lịch, khám chữa bệnh, giáo dục - đào tạo và thương mại, logistics gắn với chế biến nông, lâm sản.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.