3 ngày sau thất bại của tuyển Việt Nam trước Australia, những chi tiết trong trận đấu vẫn được mang ra mổ xẻ. Chia sẻ với Zing, cựu HLV tuyển Thái Lan Steve Darby, người từng có nhiều năm làm việc tại Australia, cho rằng: “Lỗi đầu tiên trong bàn thua trước Australia có lẽ đến từ Quang Hải, người không thể cản quả tạt của cầu thủ đối phương. Cậu ấy dường như hời hợt trong pha tranh chấp khi không nhảy mà chỉ quay lưng chiếu lệ trong tình huống đó”.
“Làm sao Quang Hải có thể cản quả tạt của đối thủ theo cách như thế? Cậu ấy phải áp sát nhanh nhất có thể khi bóng bật ra từ vùng cấm. Tại sao các trung vệ hay thủ môn Việt Nam không quát vào mặt và nói cho Quang Hải biết cậu ấy đã sai lầm trong tình huống đó?”, nhà cầm quân người Anh nhấn mạnh.
Ngay sau trận đấu, cựu tuyển thủ Australia Andy Bernal cũng có nhận định về tình huống "Quang Hải quay lưng, dẫn đến không thể cản quả tạt của đối thủ". Ông chia sẻ ngắn gọn trên trang cá nhân: "Làm thế nào mà số 19 của tuyển Việt Nam (Quang Hải - PV) lại thực hiện pha xoay người trong lúc bật nhảy, dẫn đến quay lưng với quả bóng trong khi đội nhà đang cần cậu ấy dùng thân mình để ngăn quả tạt".
Bàn thua trước Australia bộc lộ nhiều vấn đề ở hàng thủ tuyển Việt Nam. Ảnh: Việt Linh. |
Câu hỏi là Hải có lỗi trong tình huống này không?
Trước hết, phải thẳng thắn thừa nhận Quang Hải có lỗi. Đường tạt bóng của ngôi sao Ajdin Hrustic là cú tạt thứ hai của Australia từ biên này. Hải “Con” bị vượt qua 2 lần trong cả 2 đường tạt bóng. Trong đó, sự chậm trễ của anh khi bọc lót ở đường tạt bóng số hai dẫn tới bàn thua.
Xem lại kỹ pha bóng này, ta sẽ thấy Quang Hải và Hoàng Đức giẫm chân nhau. Hải nhận thấy Hoàng Đức đang nỗ lực phá bóng ra bằng đầu, nhưng anh vẫn lao vào để hỗ trợ. Kết quả là hai tuyển thủ Việt Nam bị thu về một chỗ, tạo khoảng trống khá lớn cho Hrustic đưa bóng vào.
Quang Hải, Hoàng Đức giẫm chân nhau trong tình huống phá bóng, để lại khoảng trống lớn phía sau cho cầu thủ số 10 Ajdin Hrustic. Ảnh chụp lại tình huống tuyển Việt Nam thua Australia. |
Về chủ quan, tiền vệ của CLB Hà Nội là người có lỗi. Nhưng về khách quan, Australia cũng có pha tạt bóng quá đẹp.
Từ một vị trí không lý tưởng, bóng chưa xuống biên ngang và còn cách khá xa vùng cấm, tiền vệ Australia vẽ một đường cong tuyệt đẹp, đưa bóng cuộn qua hầu hết hàng thủ, khiến Văn Lâm lỡ trớn. Đường bóng nhằm thẳng tới vị trí cầu thấp nhất của tuyển Việt Nam là Nguyễn Phong Hồng Duy. Đối thủ của Duy (cao 1,68 m) là Rhyan Grant (1,76 m).
Thủ môn Đinh Xuân Việt khẳng định: “Tư thế khó mà họ tạt được như vậy là quá đẳng cấp. Các hậu vệ cũng không nghĩ đối thủ tạt quả hay như vậy, bóng cuộn ra rất khó cho thủ môn”. Đồng quan điểm đó, Nghiêm Xuân Tú cũng cho rằng: “Người xem có cảm giác như đây là một pha tạt bóng 'hời hợt và vớ vẩn' nhưng không phải. Đó là một pha bóng chiến thuật nhạy cảm của Australia”.
Cả hậu vệ Grant cũng phải thừa nhận: “Tôi thậm chí không biết pha bóng đó có thể tạo ra bàn thắng hay không, chỉ đơn giản là tôi chiến thắng trong pha không chiến và may mắn khi đưa được bóng vào lưới tuyển Việt Nam”.
Bàn thua đó cũng một lần nữa cho thấy vấn đề thông tin liên lạc của tuyển Việt Nam chưa được thực hiện tốt trước Australia. Ở hàng thủ, pha quay chậm cho thấy Ngọc Hải chỉ huy các đồng đội dâng lên nhưng bẫy việt vị chưa kịp giăng ra, thì cầu thủ Australia đã tạt bóng tới.
Ngọc Hải chỉ huy đồng đội thiết lập lại bẫy việt vị nhưng hàng thủ chưa kịp về vị trí thì đường bóng đã tới. Ảnh chụp lại tình huống tuyển Việt Nam thua Australia. |
Tại hàng tiền vệ, tình huống Hoàng Đức, Quang Hải giẫm chân nhau và pha can thiệp chậm của Quang Hải cho thấy tuyến giữa cần một người thủ lĩnh.
Đến đây, vấn đề tiếp theo xuất hiện. Sự thiếu vắng những trụ cột như Duy Mạnh, Văn Hậu và đặc biệt là Hùng Dũng không chỉ khiến tuyển Việt Nam mất các cá nhân xuất sắc.
Mất họ nghĩa là tuyển mất những mối liên kết, những sự ăn ý mà họ và các đồng đội lâu năm đã có. Nếu có Hùng Dũng, đội phó tuyển Việt Nam đồng thời là một chủ nhân khác của Quả bóng Vàng (Việt Nam - PV), tuyến giữa sẽ được chỉ huy tốt hơn.
Tiền vệ sinh năm 1993 vốn nổi tiếng với nhãn quan chiến thuật ấn tượng, khả năng bao quát thế trận. Anh có thể “quát” đàn em di chuyển nhanh hơn tới vị trí cầu thủ Australia tạt bóng.
Hạn chế trong việc trao đổi, liên lạc giữa các tuyển thủ Việt Nam cũng là điều dễ hiểu bởi chúng ta mất nhiều trụ cột. Những cầu thủ dự bị như Thành Chung, Hồng Duy, mới lấy suất đá chính như Hoàng Đức hay cả Văn Lâm vốn ít được chơi bóng suốt cả năm qua rõ ràng không thể ăn ý được bằng nhóm cầu thủ cũ.
Mất Hùng Dũng, đội phó kiêm Quả bóng vàng 2019, tuyển Việt Nam không còn một tiếng nói mạnh mẽ, không còn một cá nhân với nhãn quan chiến thuật xuất sắc ở tuyến giữa. Ảnh: Minh Chiến. |
Đương nhiên, chúng ta cần có cái nhìn khích lệ hơn với hàng thủ tuyển Việt Nam. Australia có lẽ là đội chơi bóng bổng tốt nhất vòng loại thứ ba World Cup 2022. Họ chuẩn bị nhiều bài vở, có nhiều phương án cho lối đá tổng lực ở hai biên.
Thông số sau trận cho thấy Australia chỉ dành 20,1% bóng cho trung lộ. Gần 80% đợt tấn công của họ tới từ hai biên. Nhưng cuối cùng, họ chỉ có duy nhất một bàn tại Mỹ Đình.
So với trận gặp Saudi Arabia, bản thân Quang Hải và cả Văn Đức ở cánh đối diện đều tiến bộ hơn rất nhiều trong khâu phòng ngự. Đóng góp từ họ góp phần khiến Australia ép sân giống Saudi Arabia, nhưng chỉ có 6 cú dứt điểm, so với 21 lần sút của đội bóng Tây Á.
Quang Hải và tuyển Việt Nam rõ ràng cần cải thiện khả năng phòng ngự và sự thông tin liên lạc ở hàng thủ. Nhưng về tổng thể, đội tuyển đang tiến bộ.
Ba trận gần nhất trước những đối thủ thuộc tốp 12, tuyển Việt Nam lần lượt thua 3-3-1 bàn. Chúng ta cũng cải thiện đáng kể về thế trận và từng có thời điểm bừng sáng hy vọng lấy 1 điểm tại Mỹ Đình.
Những hạn chế và cả tiến bộ của tuyển Việt Nam là điều cần được ghi nhận. Bởi không đội tuyển nào có thể hóa rồng chỉ sau một vài trận đấu.