Khi tiếng còi kết thúc trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Australia tại vòng loại World Cup 2022 vang lên, điều đầu tiên HLV Park Hang-seo làm là đá văng chai nước vào sân đấu.
Đâu là ý nghĩa của hành động bùng nổ cảm xúc ấy?
Đó không phải bất lực, cũng không phải thất vọng. Đó là sự cay cú, cay cú vì ông Park biết đội tuyển Việt Nam đã chơi tốt, vì ông tin các cầu thủ xứng đáng có điểm ở trận đấu mà họ đã tiến bộ trên nhiều khía cạnh.
Trong phòng họp báo, ông Park bảo: “Về trình độ, cầu thủ Việt Nam và Australia không quá chênh lệch. Nhưng thể hình, thể lực thì chúng tôi hoàn toàn thua thiệt. Và điều đó là thứ không thể khắc phục được”.
Tuyển Việt Nam đã có nhiều cải thiện trên mặt trận tấn công trước Australia. Ảnh: Việt Linh. |
Sự tiến bộ
Thua 0-1 trước Australia là thất bại thứ 3 liên tiếp của tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup. Nhưng về tổng thể, những chuyển biến tích cực đã xuất hiện.
Trận đầu với UAE hồi tháng 6, tuyển Việt Nam thua bàn ngay phút 32, lọt lưới đủ 3 lần ở phút 50. Trận tiếp theo với Saudi Arabia, chúng ta đứng vững tới phút 55, thua 3 bàn ở phút 80. Trận thứ ba tiến bộ hơn cả, tuyển Việt Nam thua một bàn vào phút 43. Số lần thủng lưới lần lượt sau 3 trận là 3-3-1 bàn. Hai trận gần nhất, Saudi Arabia và Australia đều chỉ có 1 bàn từ các pha bóng sống.
Sự tiến bộ ở khía cạnh phòng ngự càng rõ ràng hơn bởi đối thủ của tuyển Việt Nam qua từng trận đều mạnh hơn. Đội đầu tiên là UAE mới một lần dự World Cup. Hai đội kế Saudi Arabia, Australia đều nhiều lần tới Cúp thế giới, lần lượt ở nhóm hạt giống số 3 và số 2.
Nghĩa là số bàn thua tuyển Việt Nam phải nhận không hề tịnh tiến tỷ lệ thuận với sức mạnh của đối thủ.
Trước Australia, thay đổi nào đã mang tới thống kê tích cực ấy? Có hai yếu tố. Thứ nhất là biên độ đội hình, thứ hai là sự chủ động trong tấn công.
Khoảng cách giữa hàng hậu vệ và tiền vệ Việt Nam hợp lý, hạn chế được các tình huống trung lộ của đối thủ. Đồ họa: AFC. |
Sơ đồ vị trí trung bình trên sân cho thấy khoảng cách giữa hàng hậu vệ và tiền vệ tuyển Việt Nam đã được rút ngắn lại, các vị trí tiền vệ gần như trùng khớp với tuyến giữa của đội bạn. Điều đó giúp tuyến giữa tuyển Việt Nam hạn chế đáng kể khả năng chuyền xuyên tuyến và di chuyển linh hoạt của những tiền vệ công được đánh giá cao bên phía Australia. Bằng chứng là tuyển Việt Nam không để thua bàn nào từ trung lộ, điều mà Australia đã làm rất tốt với Trung Quốc trước đó chỉ vài ngày.
Sau bài học trước Saudi Arabia, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Hoàng Đức đã chơi thấp hơn và cải thiện đáng kể khả năng tranh chấp. Bộ đôi tiền vệ cánh Nguyễn Quang Hải, Phan Văn Đức cũng chấp nhận lùi xuống để hỗ trợ nhiều hơn.
Sự lỳ lợm của đội chủ nhà khiến Australia không có nổi cú dứt điểm suốt 18 phút đầu tiên. Đến phút 19, khung thành của Đặng Văn Lâm mới lần đầu bị đe dọa bởi pha bóng từ ngoài vùng cấm của Adam Taggart. Sút xa trong thế trận áp đảo là biểu hiện của sự bất lực trong tiếp cận khung thành.
Đương nhiên, tiến bộ này của tuyển Việt Nam cũng xuất phát một phần từ việc Australia không phải đội bóng đánh trung lộ mạnh mẽ theo kiểu như Saudi Arabia. Thống kê cho thấy đội khách dồn 20,1% bóng cho vùng giữa sân suốt cả trận.
Tiến bộ thứ hai nằm ở khả năng tấn công, điển hình là pha đối mặt khung thành của Quang Hải ở phút thứ 7. Tình huống đó có nhiều nét giống pha phản công bất thành ở phút 38 trong trận đấu với Saudi Arabia. Đó cũng là pha phản công, cũng một cầu thủ Việt Nam cầm bóng từ giữa, Phan Văn Đức băng chéo vào từ ngoài biên. Chỉ khác, lần này cơ hội đã xuất hiện.
Văn Đức một lần nữa để lại dấu ấn khi chuyền bóng cho Quang Hải trong cơ hội nguy hiểm nhất của tuyển Việt Nam ở phút thứ 7. Ảnh: Việt Linh. |
Hai tình huống với kịch bản gần y hệt cho thấy đó không phải ngẫu nhiên. Tuyển Việt Nam có những bài phản công được chuẩn bị trước và đã phát huy hiệu quả khi Quang Hải có cú dứt điểm trước Australia.
Quan trọng hơn, cách các tuyển thủ đập nhả trong cả 2 pha bóng ấy cho thấy tuyển Việt Nam đã lựa chọn lối phản công chủ động. Các đội yếu, bị ép sân thường có xu hướng phá bóng lên thật cao để cầu may. Tuyển Việt Nam thì không. Cả hai pha bóng đều được xử lý bình tĩnh từ những hậu vệ tới hàng công, đều có 3 tới 4 đường chuyền ngắn. Và nó đã mang lại hiệu quả.
Ở trận với Saudi Arabia, tỷ số sút bóng 21-3 nghiêng hẳn về phía đối thủ. Trước Australia, thông số này đảo chiều. Việt Nam sút 11 lần, nhiều gần gấp đôi Australia (6 lần).
Tuyển Việt Nam rõ ràng đã tiến bộ, dứt điểm nhiều hơn, hạn chế được bàn thua, thậm chí có thể mơ về 1 điểm nếu chúng ta may mắn hơn trong tình huống VAR từ chối Quang Hải và đồng đội một quả phạt đền.
Ông Park và cộng sự có lẽ cũng cảm nhận như vậy. Nên tuyển Việt Nam đã không từ bỏ cho tới phút cuối cùng. 30 phút cuối từ khi Nguyễn Văn Toàn vào sân, tuyển Việt Nam đã chuyển sang sơ đồ 5-3-2 với 2 tiền đạo cắm chơi song song (người còn lại là Tiến Linh). Nếu ông Park vẫn còn những mũi khoan chất lượng như Hùng Dũng, Công Phượng, chưa biết điều gì có thể đến tại Mỹ Đình.
Sơ đồ chạm bóng cho thấy Tiến Linh đã có một trận đấu cực kỳ khó khăn. Đồ họa: AFC. |
Những vấn đề còn tồn đọng
Nhưng tiến bộ của tuyển Việt Nam vẫn là chưa đủ để chúng ta có điểm số đầu tiên tại vòng loại thứ ba World Cup. Đội bóng vẫn còn những hạn chế thấy rõ, những vấn đề chưa thể khắc phục như ông Park đã thừa nhận trong phòng họp báo sau trận.
Cự ly đội hình hợp lý của hàng hậu vệ và tiền vệ giúp tuyển Việt Nam phòng ngự tốt hơn. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là khoảng cách giữa hàng tiền vệ và Tiến Linh, khoảng cách giữa hàng công tuyển Việt Nam với khung thành Australia đã lớn hơn.
Bản đồ nhiệt cho thấy tuyển Việt Nam có rất ít hoạt động trên 1/3 sân cuối cùng của Australia, còn Tiến Linh là cầu thủ duy nhất có vị trí trung bình vượt qua nửa sân đấu.
Trong 22 lần chạm bóng của Tiến Linh suốt cả trận, chỉ 3 lần chạm được thực hiện ở 1/3 sân của Australia, trong đó có lần duy nhất trong vùng cấm. Ở hầu hết trường hợp, anh phải nhận bóng từ sân nhà, cách rất xa khung thành đối thủ. Đó không hề là vị trí nhận bóng lý tưởng cho Tiến Linh, tiền đạo không mạnh về phát động, chậm chạp, xoay xở kém so với những vị trí khác.
Đó cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới pha phối hợp hỏng của Tiến Linh ở trận gặp Saudi Arabia khi anh vốn không mạnh trong các pha bóng tốc độ. Trong khi Văn Đức, Quang Hải, Hoàng Đức hay cả Văn Thanh, Trọng Hoàng đều đang làm tốt ở khâu này, Tiến Linh là sự lạc nhịp. Anh dường như phù hợp hơn với các thế trận tấn công chủ động, nơi tuyển Việt Nam áp đảo còn Tiến Linh được thoải mái di chuyển trong vùng cấm của đối thủ.
Dữ liệu về Tiến Linh cũng làm rõ hơn việc vì sao Công Phượng từng được xếp đá chính ở vai trò tiền đạo cắm tại Asian Cup 2019. So về tốc độ, khả năng luân chuyển bóng trong phản công, Phượng hơn hẳn Tiến Linh. Đó sẽ là điều ta kỳ vọng ở Phượng khi anh trở lại đội tuyển vào tháng 10.
Ở bàn thua, hàng thủ tuyển Việt Nam xộc xệch, các vị trí không thẳng hàng, Ngọc Hải có chỉ đạo nhưng đội hình chưa kịp xây dựng lại. |
Hạn chế rõ ràng thứ hai nằm ở khả năng phối hợp của hàng thủ, mà điển hình là tình huống bàn thua. Hàng thủ tuyển Việt Nam trong pha bóng này đã chịu 2 đường tạt bóng liên tiếp từ biên trái. Sau đường tạt thứ nhất, hệ thống của tuyển Việt Nam đã xộc xệch. Để ý kỹ, chúng ta sẽ thấy Quế Ngọc Hải đã giang tay, yêu cầu các cầu thủ trở lại vị trí thật nhanh. Ngọc Hải có lẽ muốn các đồng đội hình thành lại bẫy việt vị.
Nhưng một chút lừng khừng từ cả Nguyễn Thành Chung, Nguyễn Phong Hồng Duy và nhất là thủ thành Đặng Văn Lâm đã khiến thế trận phòng ngự bên trong không thể xuất hiện. Hậu quả là cầu thủ Australia thoải mái đánh đầu tung lưới Văn Lâm.
Có điểm chung nào giữa ba người trên không? Họ đều không nằm trong danh sách đá chính của tuyển Việt Nam. Một chút chậm trễ dù rất ngắn ngủi của họ ngay lập tức làm lộ ra điểm yếu ở hàng thủ tuyển Việt Nam và bị đối thủ khai thác.
Chia sẻ sau trận, thủ thành Đinh Xuân Việt, đồng đội cũ của Văn Lâm ở CLB Hải Phòng phân tích: “Lâu rồi, em chưa thi đấu với đồng đội, chưa gặp, chưa tập với họ được nhiều, sự thông tin liên lạc với phía trước cầu môn sẽ ít đi. Đôi khi, những hô hào cũng có phần hạn chế. Em đứng sâu bảo vệ gôn nhà mà quên bắt bài tình huống treo bóng. Còn hậu vệ cũng không nghĩ đối thủ lại tạt được quả hay như vậy. Đó là đường bóng cuộn rất khó cho các thủ môn”.
Nhưng đó không hề là tình huống ăn may của tuyển Australia. Bởi chỉ 5 phút trước đó, tuyển Australia bị thổi việt vị lần đầu cho Adam Taggat. Đội khách đã chủ động tìm kiếm và khai thác điểm yếu này. Và họ thành công ngay trong lần thử thứ hai. Hai lần giăng bẫy việt vị này cũng cho thấy tuyển Việt Nam đã có giải pháp rõ ràng để chống lại bóng bổng của người Australia. Nhưng các tổn thất nhân sự, vài chi tiết chưa ăn khớp của cỗ máy phòng thủ khiến chúng ta phải trả giá.
Tuyển Việt Nam đã chơi tốt, cải thiện nhiều mặt. Chúng ta chưa thể có điểm số đầu tiên, nhưng tiến bộ trong lối chơi và hy vọng ở tương lai là điều hoàn toàn có. Hai hạn chế đều có thể khắc phục khi những trụ cột trở lại và ông Park có nhiều thời gian hơn ở đợt tập trung sau. Cơ hội cũng sẽ rõ ràng hơn bởi tháng 10, tuyển Việt Nam gặp 2 đối thủ bị đánh giá thấp trong bảng là Trung Quốc và Oman.