Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres lên tiếng xác nhận thực trạng đáng lo ngại này hôm 16/5.
Ông Guterres mô tả phần kiến trúc đồ sộ trên Đảo san hô Enewetak thuộc quần đảo Marshall giống như một "chiếc quan tài", đồng thời nhắc lại hậu quả nặng nề từ cuộc thử nghiệm bom nguyên tử của Mỹ.
Đất nhiễm phóng xạ và tro bụi phóng xạ từ các vụ nổ bom hạt nhân được đổ vào miệng núi lửa, sau đó che phủ bằng lớp bê tông dày hơn 45 cm. Tuy nhiên, "sức chịu đựng" của mái vòm bê tông không đảm bảo được hiệu quả trong thời gian dài và đáy của miệng núi lửa này không kín nên chất thải có thể rò rỉ ra ngoài đại dương.
Chỉ một cơn bão mạnh quét qua khu vực sẽ khiến mái vòm bê tông bị tổn hại thêm và hậu quả đối với môi trường sẽ ngày một tàn khốc.
"Cỗ quan tài hạt nhân" khổng lồ từ thời Chiến tranh Lạnh đã xuống cấp và bắt đầu rò rỉ chất phóng xạ ra Thái Bình Dương. Ảnh: AFP. |
Tổng thư ký LHQ đã tiết lộ thông tin đáng lo ngại trên trong buổi nói chuyện với các sinh viên ở Fiji hôm 16/5, trong khuôn khổ chuyến thăm Nam Thái Bình Dương hướng đến giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường. Theo ông Guterres, chiếc "quan tài hạt nhân" đã bắt đầu rò rỉ.
"Hậu quả khá nghiêm trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe và vấn đề nhiễm độc nước ở một số khu vực.
Ngoài việc được sử dụng để lưu trữ chất thải hạt nhân nguy hiểm, ông Guterres cũng đề cập đến vấn đề Thái Bình Dương đã trở thành nạn nhân như thế nào khi dưới thời chính quyền Mỹ.
Các hòn đảo và đảo san hô ở xa bờ biển phía đông nam Nhật Bản như Enewetak là nơi diễn ra 67 vụ thử bom nguyên tử của Mỹ trong giai đoạn từ 1946-1958.
Một trong các vụ thử nghiệm như vậy là bom hydro "Bravo" vào năm 1954. Đến nay, đây vẫn là bom nguyên tử mạnh nhất được Mỹ thử nghiệm. Vụ nổ của nó có sức công phá gấp 1.000 lần so với các khối bom nguyên tử Mỹ từng trút xuống Nhật Bản.
Ánh sáng từ vụ nổ thử bom nguyên tử trong Chiến dịch Redwing trên vùng biển của Đảo san hô Enewetak thuộc quần đảo Marshall ngày 30/5/1956. Ảnh: Reuters. |
Những người bản địa sống trên Quần đảo Marshall đã được chính quyền Mỹ sơ tán và tái định cư. Tuy nhiên, nhiều người đã tiếp xúc với bụi phóng xạ hạt nhân từ các vụ thử nghiệm và bị nhiễm xạ.
Dù ông Guterres không đưa ra khuyến nghị cụ thể nào về biện pháp giảm thiểu tác động của chất phóng xạ, nhưng ông đã cảnh báo rằng cần sớm hành động để giải quyết vấn đề này.