Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Washington mới đây cho biết căn cứ theo hình ảnh vệ tinh từ ngày 12/4, năm đường ray chuyên dụng gần cơ sở làm giàu uranium và phòng thí nghiệm hóa học tại bãi thử hạt nhân ở Triều Tiên có dấu hiệu hoạt động trở lại. Các hoạt động này có thể liên quan đến quá trình tái xử lý chất phóng xạ thành nhiên liệu bom, theo Guardian.
"Trước đây, những chiếc xe lửa chuyên dụng này có liên quan đến việc vận chuyển chất phóng xạ hoặc quá trình tái xử lý. Các hoạt động hiện nay không loại trừ khả năng này", báo cáo của trung tâm cho biết.
Jenny Town, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Nghiên cứu Stimson, cho rằng nếu Triều Tiên thực hiện quá trình tái xử lý nguyên liệu hạt nhân, đây là sẽ là động thái đáng chú ý sau cuộc đàm phán Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai mà không đạt được thỏa thuận.
Triều Tiên đã ngừng thử tên lửa từ năm 2017. Ảnh: AFP. |
"Vì đó là thỏa thuận với Triều Tiên về cơ sở hạt nhân Yongbyon, việc nước này nhanh chóng có động thái khởi động lại sẽ là điểm đáng chú ý", bà Jenny cho biết.
Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội hồi tháng 2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất thỏa thuận với người đồng cấp Kim Jong Un. Theo đó, Mỹ sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên nếu nước này trao lại toàn bộ vũ khí hạt nhân và vật liệu phân hạch cho Mỹ. Tuy nhiên, không có thỏa thuận nào được kí kết sau hội nghị.
Mặc dù nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã ngưng các vụ thử tên lửa và hạt nhân kể từ năm 2017, quan chức Mỹ cho biết Triều Tiên vẫn tiếp tục sản xuất vật liệu phân hạch để chế tạo bom.
Nghiên cứu của Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế thuộc Đại học Stanford, được công bố trước hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội, cho biết Triều Tiên đã tiếp tục sản xuất nhiên liệu bom vào năm 2018 và có thể đã sản xuất đủ để chế tạo thêm 7 vũ khí hạt nhân mới.